Xuất bản thông tin
Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông chính thức được công nhận, thực sự là cơ hội để định hình, phát triển và quảng bá rộng rãi hơn nữa thương hiệu du lịch Đắk Nông.
Cơ hội mới cho ngành du lịch
Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, việc được công nhận danh hiệu CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đang hỗ trợ rất nhiều trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Đắk Nông.
Chuyên gia UNESCO tham quan Trung tâm thông tin CVĐC huyện Cư Jút |
Đây là cơ hội để không những thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sinh kế cho người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hợp lý tài nguyên, giữ gìn và phát huy giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, tận dụng tiềm năng, thế mạnh, tăng cường thu hút đầu tư các khu du lịch trọng điểm, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Thực tế, từ khi được công nhận đến nay, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông, của doanh nghiệp du lịch, du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là bước ngoặt đánh dấu cơ hội phát triển rất quan trọng đối với ngành du lịch tỉnh.
Còn nhiều thách thức
Cơ hội mới là thế nhưng đây cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở cần phải tập trung hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng và phát triển CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, đáp ứng sự kỳ vọng của tỉnh và tương xứng với quy mô, tính chất của một CVĐCTC. Để phát triển du lịch dựa trên tiềm năng và lợi thế đặc sắc CVĐCTC Đắk Nông cần tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác trong nước, quốc tế, đưa Đắk Nông trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Việc gia nhập mạng lưới CVĐCTC mở ra cho Đắk Nông cơ hội mới về phát triển du lịch |
Tuy nhiên, từ khi bắt tay vào xây dựng CVĐC, các địa phương khá thờ ơ và chưa nắm rõ các điểm đến trong vùng CVĐC thuộc địa phương mình quản lý, chưa có sự vào cuộc quyết liệt trong quản lý, đầu tư xây dựng, vận hành các điểm di sản trên địa bàn.
Trong tổng số 44 điểm di sản thuộc 3 tuyến CVĐC thì có Nhà trưng bày cồng chiêng người Mạ, Nhà trưng bày đàn đá (TP. Gia Nghĩa) đã bàn giao nhưng không vận hành được. Điểm thác Trinh Nữ (Cư Jút) không mở cửa đón khách tham quan. Điểm gỗ hóa thạch (TP. Gia Nghĩa) đã bị san lấp. Đường vào hang C3, C4 vẫn bị doanh nghiệp thu phí vào cổng. Một số bảng biển, trang thiết bị tại một số điểm bị người dân đập phá, gây hư hỏng. Điểm "Ranh giới các pha phun trào núi lửa" (Đắk Mil) do thuộc khu đất tư nên chủ đất đang khai thác, có thể làm biến mất phần taluy đất có chứa dấu vết của ranh giới các pha phun trào núi lửa…
Cần một chiến lược dài hơi
Đối với tỉnh Đắk Nông, nội dung xây dựng CVĐCTC là một nhiệm vụ mới và chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển theo các tiêu chí, định hướng của UNESCO.
Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của tỉnh, rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là sự tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ từ các chuyên gia tư vấn của tổ chức UNESCO và mạng lưới CVĐC toàn cầu. Đặc biệt, việc xây dựng và phát huy danh hiệu CVĐCTC UNESCO Đắk Nông cần một nguồn kinh phí đầu tư lớn. Trong khi, Đắk Nông là một tỉnh còn non trẻ, nhận thức về du lịch và xây dựng CVĐC gắn với phát triển du lịch còn hạn chế, nên gặp nhiều khó khăn.
Hàng C3 thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông (Ảnh: Ban quản lý CVĐC Đắk Nông) |
Trong thời gian tới, Đắk Nông sẽ tiếp tục mời chuyên gia UNESCO tư vấn xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể CVĐCTC UNESCO Đắk Nông để bảo đảm gắn kết với phát triển bền vững, phát huy tối đa các giá trị sẵn có. Trong đó, tỉnh tập trung tăng cường đầu tư hạ tầng, phát triển hệ thống đối tác, phát triển hệ thống sản phẩm và giao các điểm di sản về cho các địa phương quản lý, vận hành…
Phát biểu tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe báo cáo về tình hình CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: "Việc xây dựng và phát triển CVĐCTC UNESCO Đắk Nông phải dựa trên nguyên tắc Nhà nước kết hợp với doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Trong đó, Nhà nước có vai trò định hướng, người dân đồng lòng, xã hội chung tay, góp sức xây dựng, khai thác một cách hiệu quả… Tất cả các tiêu chí xây dựng, phát triển CVĐCTC UNESCO Đắk Nông phải được gắn với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 cần có nội dung khai thác, phát triển CVĐC để bảo đảm tính chiến lược, toàn diện, bền vững".
Theo Báo Đắk Nông điện tử