Xuất bản thông tin

Tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng phân bón giả, kém chất lượng lưu hành trên thị trường
Ngày đăng 13/08/2018 | 09:53  | View count: 4978

Phân bón giả, kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất các loại cây trồng. Trong bối cảnh tỉnh đang tập trung phát triển nông nghiệp bền vững, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ cao, đòi hỏi các cơ quan chức năng nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp nói chung và phân bón nói riêng.

Chất lượng phân bón là một trong những yếu tố bảo đảm năng suất, chất lượng cây trồng, sản phẩm

Một "mặt trận" rất khó khăn

Tại hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND tỉnh, vấn đề được cử tri các địa phương quan tâm, phản ánh là tình trạng phân bón giả, kém chất lượng ngày càng tràn lan trên thị trường. Nhiều cử tri cho rằng, việc phát hiện và xử lý phân bón giả, kém chất lượng chỉ mới là "bề nổi của tảng băng chìm". Cử tri cũng trải lòng về tình trạng "tiền mất, tật mang" chỉ vì gặp phải phân bón kém chất lượng. Có lẽ, chỉ những người trong cuộc như nông dân mới thấm thía với nỗi đau này, không những thất thu sản phẩm trong một mùa vụ mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cây trồng và các vụ mùa tiếp theo.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, trên thị trường xuất hiện nhiều loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng và bị cơ quan chức năng xử phạt dưới nhiều hình thức. Ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa III mới đây, các đại biểu đã chất vấn đối với các sở, ngành liên quan về công tác quản lý vật tư nông nghiệp nói chung và phân bón nói riêng.

Theo ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 500 cơ sở kinh doanh phân bón. Nhu cầu hàng năm toàn tỉnh cần khoảng 600.000 tấn phân bón các loại; trong đó phân vô cơ chiếm đến 82%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lưu thông phân bón giả, kém chất lượng nhiều, mà chủ yếu vẫn là những hạn chế trong công tác quản lý. Năm 2017, các đơn vị đã tổ chức thanh tra và xử lý các cơ sở phân bón vi phạm về chất lượng, tiêu chuẩn. Riêng về tiêu chuẩn đã xử lý trên 100 triệu đồng. Mới đây, cơ quan chức năng đã công bố 6 loại sản phẩm của các doanh nghiệp kinh doanh phân bón không đủ điều kiện, không bảo đảm chất lượng.

Nhiều đại biểu cho rằng, cũng từ những hạn chế của công tác quản lý nên việc tổ chức hội thảo phân bón ở các địa phương hiện nay diễn ra "như cơm bữa" nhưng về chất lượng phân bón thì chưa có cơ quan chức năng nào dám khẳng định. Ông Bùi Huy Thành, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, để kiểm tra chất lượng phân bón thì phải đưa đi xét nghiệm mẫu mới có kết quả, nhưng cũng phải đến 3 lần kiểm tra và phải trùng kết quả mới có điều kiện xử phạt. Cùng với đó, người dân hay có thói quen mua phân bón trôi nổi bán trên xe ô tô. Trong khi đó, những loại phân bón này thường chưa có uy tín trên thị trường, nhãn hiệu hàng hóa nếu có cũng là mới. Nhà phân phối chỉ mới hội thảo được một lần, dân mình thấy rẻ, thấy hấp dẫn là mua, trong khi cơ quan chức năng chưa kiểm nghiệm.

Ông Thành cũng khẳng định: "Việc phát hiện phân bón giả, phân bón kém chất lượng là rất khó. Bắt là bắt chủ yếu trong khâu lưu thông, bắt tại xe, bắt trong lúc nó bán địa điểm không cố định, chứ tại cửa hàng kinh doanh phân bón là hầu như chúng ta không phát hiện được. Đây là một "mặt trận" rất khó khăn".

Ông Lê Trọng Yên cũng khẳng định, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức khoảng 518 cuộc hội thảo phân bón. Khi tổ chức hội thảo, các doanh nghiệp đều làm theo quy định về thủ tục hành chính, quy trình nên không thể cấm được.

Tất cả phải vào cuộc

Trước chất vấn của các đại biểu, ông Lê Trọng Yên đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện "lời hứa" về hạn chế tình trạng lưu hành của các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Theo đó, để giảm thiểu được tình trạng lưu hành các vật tư nông nghiệp nói chung và phân bón giả, kém chất lượng nói riêng thì tất cả phải vào cuộc, nhất là chính quyền cấp huyện, xã, các ngành liên quan.

Trong năm 2018, ngành nông nghiệp sẽ kết hợp với Sở Y tế, Sở Công thương xây dựng quy định về phân cấp quản lý vật tư nông nghiệp cho các địa phương. Ngành cũng kết hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra các hoạt động liên quan đến cung ứng vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón. Qua thanh, kiểm tra, những cơ sở kinh doanh và sản xuất phân bón vi phạm sẽ được công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thời gian qua, việc tổ chức hội thảo tràn lan cũng là cơ hội để nhiều cơ sở kinh doanh phân bón trục lợi, nên cần siết chặt quản lý. Các đơn vị liên quan như UBND các xã, các phòng nông nghiệp, trạm bảo vệ thực vật và trạm khuyến nông phải là đơn vị giám sát chặt chẽ, tránh lợi dụng về giới thiệu sản phẩm, nhất là bán sản phẩm tại các hội thảo. Công tác tuyên truyền cũng cần chú trọng nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, phân biệt được các sản phẩm uy tín, chất lượng. Riêng ngành nông nghiệp sẽ thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý chất lượng các vật tư nông nghiệp nói chung và phân bón nói riêng.

Theo Đắk Nông Online