Xuất bản thông tin
Trong thiết chế tự quản, già làng có vai trò thực thi nhiệm vụ một cách tự nguyện và họ tự hào được đóng góp công sức vào việc duy trì, ổn định cuộc sống buôn làng, không kèm theo chế độ hay quyền lợi vật chất. Mặc dù sơ giản và gọn nhẹ, nhưng thiết chế tự quản già làng Tây Nguyên vận hành có trật tự và hiệu quả.
Thiết chế tự quản già làng có vai trò rất quan trọng của luật tục dân tộc. Mọi hoạt động của già làng trong thiết chế tự quản đều tuân theo luật tục, một thứ luật pháp sơ khai, tiền gia cấp truyền khẩu được chủ làng và các già làng nắm vững, được dân làng chấp nhận, nó có vai trò điều hòa các mối quan hệ của con người với nhau và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên.
Bên cạnh vai trò tích cực, hoạt động của già làng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hiện nay cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần nhận diện và khắc phục. Một số già làng, nhất là già làng ở những vùng trung tâm, ven đô thị còn chưa phát huy được vai trò cần có của mình. Tại nhiều vùng có đông đồng bào theo đạo, một số già làng kiêm chức sắc tôn giáo thì thiên về lo việc đạo hơn là lo việc của già làng. Ở nhiều buôn, làng, một số già làng lại thiên về khuynh hướng duy trì phong tục phạt vạ nặng nề đối với người vi phạm tập quán lệ làng; phong tục cúng bái, ăn uống nhiều ngày trong việc tang ma, lễ tạ... Hệ quả đã gây lãng phí và tốn kém về kinh tế dẫn đến đói nghèo, trì trệ, chậm phát triển.
Xuất phát từ những thực tế bối cảnh dân cư, dân tộc, tôn giáo và tình hình an ninh chính trị vùng Tây Nguyên hiện nay, để duy trì và có cơ sở khoa học cho việc đề xuất xây dựng các chính sách kế thừa và phát huy vai trò của già làng dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên tổ chức nghiên cứu và Hội thảo Khoa học về vai trò của già làng, phụ nữ và trí thức các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông trong những năm đổi mới và trong phát triển.
Tọa đàm khoa học về vai trò của già làng và phụ nữ trong ĐBDTTS |
Để có những giải pháp nhằm tiếp tục khuyến khích duy trì và có những chính sách nhằm phát huy vai trò của già làng, phụ nữ và trí thức trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên, các đại biểu đã thảo luận và nêu ra nhiều kiến nghị, đề xuất tập trung vào những vấn đề như: Tiếp tục duy trì vai trò của già làng như một tổ chức quản lý xã hội phi chính thức; Tôn trọng, lắng nghe và cần phải đi sâu đi sát với già làng; Phát huy vai trò của công tác dân vận và của cán bộ dân vận trong động viên, thuyết phục và phát huy vai trò của già làng, đặc biệt là các già làng ở các làng có số dân theo đạo nhiều; Cần xây dựng tiêu chí và chức năng, nhiệm vụ của già làng; Tăng cường tổ chức học tập, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho già làng; Có chính sách cụ thể trong việc quản lý, rà soát đội ngũ già làng, cung cấp thông tin và có những chế định về mối quan hệ giữa già làng, người có uy tín với Trưởng thôn.
Hy vọng với sự nhận thức và quan tâm đầy đủ của các cấp các ngành, sự vào cuộc kịp thời của các nhà khoa học, vai trò của già làng, phụ nữ và trí thức đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông tới đây sẽ vẫn được duy trì và phát huy mạnh mẽ trong những nhóm xã hội đặc thù và nó có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Ngọc Quân