TIN THẾ GIỚI

Nông dân là trung tâm trong chuỗi giá trị sản xuất ngành hàng cà phê
Ngày đăng 12/12/2018 | 15:19  | View count: 14363

Trong khuôn khổ chương trình "Ngày cà phê Việt Nam" lần 2, năm 2018, tại hội thảo "Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam" (diễn ra vào ngày 10/12 năm 2018 tại thị xã Gia Nghĩa), một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập là làm sao để người nông dân thật sự trở thành trung tâm trong chuỗi giá trị sản xuất cà phê.

Đoàn đại biểu tham dự Ngày cà phê Việt Nam tham quan mô hình sản xuất cà phê đạt chuẩn thương mại công bằng của HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận An, xã Thuận An (Đắk Mil)

Đồng chí Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức "Ngày cà phê Việt Nam" lần 2 cho rằng: Tâm lý chung của người trồng cà phê của Việt Nam, nông dân Đắk Nông nói riêng vẫn còn chạy theo phong trào, trong đó có phong trào đua về năng suất, sản lượng. Chính vì muốn có năng suất cao nên nhiều người lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã gây ra không ít hệ lụy về ô nhiễm môi trường đất, nước. Hơn thế, phương thức sản xuất này còn làm cho chất lượng sản phẩm cà phê nhân không cao khi phân tích theo các quy chuẩn. Hiện nay, diện tích sản xuất cà phê theo hướng sạch, hữu cơ trên địa bàn Đắk Nông còn ít, khoảng 5.400 ha, sản lượng khoảng 19.800 tấn/năm. Cùng với đó, việc bà con thu hái, sơ chế không đúng kỹ thuật đã làm giảm độ tin cậy trong mắt nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi muốn hợp tác.  

Hiện nay, Đắk Nông đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư về ngành hàng cà phê, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp thu mua, chế biến sâu để tăng giá trị. Đây là xu thế tất yếu để phát triển cà phê bền vững. Để làm được điều này, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, ngành chức năng, người nông dân cũng cần chủ động khẳng định vai trò trung tâm của mình trong chuỗi liên kết. Khi nông dân đóng vai trò trung tâm, quy trình liên kết trong sản xuất, chế biến sản phẩm cà phê sẽ tạo được mối gắn kết bền chặt hơn, và lợi ích cũng sẽ được phân phối đều theo hướng các bên cùng có lợi.

Sản phẩm cà phê nhân tại HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận An, xã Thuận An (Đắk Mil) được chứng nhận đạt chất lượng cao

Cùng với quan điểm này, ông Jose sette, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê thế giới cho biết: Qua tham quan, tìm hiểu các mô hình thấy rằng nhìn chung nông dân Việt Nam ngày càng sản xuất cà phê bài bản hơn, theo quy trình kỹ thuật, nhưng số này không nhiều. Chính vì thế, dù đứng thứ hai thế giới về sản lượng xuất khẩu cà phê Robusta nhưng giá trị thu được từ ngành hàng này của Việt Nam chưa tương xứng bởi nông dân còn bán thô, chất lượng chưa cao, chưa có tên tuổi. Do đó, một trong những thách thức đối với ngành cà phê Việt Nam là làm sao để nông dân thật sự là trung tâm của sự liên kết, hợp tác cùng có lợi giữa các bên. Làm được điều này, bên cạnh yếu tố tự thân của nông dân thì vai trò của các hiệp hội cà phê là rất lớn. Các hiệp hội phải tạo ra nhiều cơ hội hơn cho người nông dân trong thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là vai trò của các nhà khoa học, nhà nước trong vấn đề nghiên cứu, chọn tạo, phổ biến các giống cà phê mới. Các giống này bên cạnh đạt năng suất cao còn phải đáp ứng các tiêu chí về kháng bệnh, nhất là bệnh rỉ sắt trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng trên toàn cầu.

 

Bà Anna, đại diện đến từ Tổ chức Thương mại công bằng quốc tế cho rằng:

Để nông dân trở thành trung tâm của chuỗi giá trị thì cần nêu cao tinh thần tự hào của họ. Sự tự hào về việc mình sản xuất ra một trong những sản phẩm có lượng người tiêu thụ đông nhất thế giới. Cùng với đó, hãy để cho người trồng cà phê tự làm chủ mảnh đất, quá trình canh tác của mình, vấn đề của người thứ 3 hay thứ 4 khi tham gia hợp tác đó là nói cho nông dân biết họ được những cái lợi gì về lâu dài, trước mắt và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tương xứng. Khi người nông dân và nhà đầu tư, hợp tác có được tầm nhìn chung thì tất yếu sẽ có được bộ quy tắc ứng xử chung và lúc này tính tự nguyện tham gia, làm chủ sẽ cao hơn rất nhiều.

 

Đại diện tổ chức Thương mại công bằng quốc tế (Fair Trade) cũng đánh giá cao vai trò, vị trí hàng đầu của nông dân trong chuỗi giá trị. Nhiều năm qua, từ chỗ xem nông dân là trung tâm trong liên kết các bên mà Fair Trade đã xây dựng được mạng lưới liên kết nông dân tại nhiều nước trồng cà phê lớn.

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp - PTNT) cho  biết, Việt Nam phấn đấu nâng tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cà phê đến năm 2020 đạt 3,8-4,2 tỷ USD/năm, định hướng đến năm 2030 đạt 4,5 tỷ USD/năm. Để đạt được con số này, có thể khẳng định vai trò của người nông dân là rất lớn trong chuỗi liên kết với các nhà doanh nghiệp, khoa học, nhà nước và ngân hàng...

Theo Đắk Nông Online