TIN THẾ GIỚI

Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng 12/10/2021 | 14:56  | View count: 92032

Ngày 09/10/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, chiến lược, quy hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi khép kín đồng thời quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh đến với các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối đến 90 điểm cầu, điểm cầu: UBND tỉnh, Đại diện Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Cổ phần Orivi Highland, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT và các cá nhân, doanh nghiệp có liên quan trong và ngoài tỉnh. Tại đầu cầu UBND tỉnh, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tôn Thị Ngọc Hạnh-TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Trọng Yên-TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh đồng chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị tại đầu cầu UBND tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, Đắk Nông được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu nhiệt độ bình quân trong năm 22-23 độ C, đất đai màu mỡ, đa dạng, nguồn nước dồi dào với mạng lưới sông suối, hồ, đập phân bố rộng khắp ... rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ thống núi đồi bao phủ, hệ thống sông ngòi, ao hồ và đặt biệt Công viên địa chất toàn cầu đã được UNESCO công nhận, với nhiều giá trị văn hóa cồng chiêng, nền văn hóa bảo tồn của các dân tộc bản địa rất phù hợp phát triển nông nghiệp cảnh quan, nông nghiệp nghỉ dưỡng, tìm về với thiên nhiên... Tỉnh xác định nông nghiệp là một trong ba trụ cột của nền kinh tế: Nông nghiệp - Công nghiệp - Du lịch. Thông qua Hội nghị, đồng chí cũng hi vọng các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, nhà phân phối, chuyên gia sẽ cùng thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất và đưa ra các giải pháp kết nối cung cầu, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho rằng tỉnh luôn quan tâm, chú trọng vào cơ chế chinh sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến đời sống nhân dân, tình hình phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt  chuỗi cung cầu, chuỗi sản xuất, việc vận chuyển nông sản vô cùng khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân... Phát huy tính chủ động sáng tạo trong thực hiện "mục tiêu kép" cả hệ thống  chính trị, các cấp các ngành và nhân dân trong tỉnh đồng lòng vào cuộc hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa phát triển kinh tế xã hội vừa phòng chống dịch bệnh. Đồng thời có nhiều giải pháp hỗ trợ bà con vận chuyển tiêu thụ nông sản: Từ ngày 01/8/2021 đến ngay 15/9/2021 đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ trên 3.600 tấn rau củ quả; trên 5.200 tấn sầu riêng; trên 2.500 tấn bơ và trên 30 tấn gia cầm thịt...

Sản lượng cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích lớn, như: Cây cà phê diện tích trên 130.000ha; cây hồ tiêu diện tích trên 34.000ha; cây bơ diện tích trên 3.000ha. Tổng sản lượng vật nuôi cũng được chú trọng tăng đàn, như: Đàn gia súc gần 450.000 con;tổng đàn gia cầm 2.600.000 con. Nhiều khu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưởng: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; cánh đồng lúa Buôn Choah; khu du lịch Nam Nung; Khu du lịch Tà Đùng...

Các điểm cầu tham gia Hội nghị.

Tại Hội nghị, các cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã và chuyên gia cùng nhau trao đổi, đưa ra các giải pháp và đề xuất phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá thực trạng của tỉnh: Đất đai canh tác tự phát, quy mô nhỏ lẻ chưa quy hoạch đồng bộ vùng nuôi, trồng; canh tác thiếu định hướng thị trường và thiếu kế hoạch; chưa có nhà máy thu mua lớn theo địa bàn; thiếu các trung tâm Logistics, hệ thống kho lạnh để vận chuyển, thu gom, bảo quản nông sản...; chưa có một ngân hàng dữ liệu thông qua hệ thống quản lý nông nghiệp, nông dân, nông thôn, du lịch trên nền tảng số; chưa có Cổng thông tin cho ngành nông nghiệp trên nền tảng dữ liệu số đã được xây dựng quản trị số dành cho người dân, người quản lý, quy hoạch nông nghiệp truy xuất thông tin... đồng thời, các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ, như: Có chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thuận tiện chăm sóc, thu, gom nông sản; cần có những chuỗi liên kết về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và việc quản lý phải chặt chẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm;...

Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Nông rất mong sự quan tâm đặc biệt của quý đại biểu, doanh nghiệp, đội nghủ chuyên gia đến hợp tác vầ đồng hành cùng tỉnh kết nối, chia sẻ, xây dựng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ngày càng chuyên sâu phát triển ổn định và vững bền. Thông qua hội nghị, chỉ ra những hoạch định, định hướng tương lai và bây giờ bắt đầu từ đâu. Tỉnh xác định ngành nông nghiệp là ngành trụ cột thứ hai, trụ cột thứ ba là du lịch hai ngành này có mối quan hệ thúc đẩy lẫn nhau. Với lợi thế khí hậu được thiên nhiên ưu đãi, tương lai xây dựng đường cao tốc Đắk Nông – Bình Phước – Thành phố Hồ Chí Minh giúp giao thông vận tải trở nên thuận lợi vô cùng. Diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, thu hút dân cư ở các tỉnh về khai phá làm nông nghiệp... với những ưu thế như vậy đồng chí mong muốn được hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, các đơn vị, các doanh nghiệp cùng nhau phát triển, hỗ trợ Đắk Nông trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để khai thác thế mạnh của tỉnh một cách hợp lý, bền vững. Trong thời gian tới đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm: Thực hiện chuyển đối số trong nông nghiệp; có nhiều cơ chế chính sách để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia quan tâm đến Đắk Nông; Chính quyền các cấp, nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh lắng nghe doanh nghiệp, chuyên gia, cùng phối hợp, đồng hành xây dựng phát triển nền nông nghiệp tỉnh bền vững; có kế hoạch chiến lược xây dựng, phát triển nền nông nghiệp tỉnh toàn diện.

ĐQ