TIN KINH TẾ - XÃ HỘI

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến Dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi)
Ngày đăng 03/05/2019 | 08:51  | View count: 5184

Chiều 2/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự án luật Giáo dục (sửa đổi). Đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã tham dự.

Cán bộ, giáo viên đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến Dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi)

Luật Giáo dục năm 2005 được sửa đổi và bổ sung năm 2009 hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển toàn diện của sự nghiệp giáo dục. Vì vậy, Dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ bổ sung và thay đổi một số quy định phù hợp với thực tiễn. Theo đó, Dự thảo có 10 chương, 12 điều; trong đó sẽ bổ sung, sửa đổi 75 điều, tăng 1 chương, 1 mục so với luật Giáo dục hiện hành.

Đoàn ĐBQH tỉnh đã tập trung lấy ý kiến xoay quanh các nội dung trong Dự thảo luật, bao gồm: Về triết lý giáo dục; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; về các loại cơ sở giáo dục; về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thi tốt nghiệp THPT; các quy định liên quan đến nhà giáo; các quy định liên quan đến người học; về đầu tư, tài chính trong giáo dục; về quản trị của cơ sở giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục.

Tại hội nghị, các cán bộ quản lý, giáo viên đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến công tác thực tế của mình. Nhiều cán bộ quản lý cho rằng, việc chọn nhân lực cho ngành giáo dục phải tuyển chọn người thật sự có năng lực thực sự mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục. Nền giáo dục hiện nay cũng cơ bản ngày càng hoàn thiện, nguồn nhân lực cao đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều, nên không cần thiết thực hiện chế độ cử tuyển trong ngành giáo dục.

Các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh lắng nghe và ghi nhận các ý kiến đóng góp

Liên quan đến chế độ, chính sách, hầu hết ý kiến cho rằng, những quy định chính sách cần cụ thể, phải bảo đảm được những nhu cầu tối thiểu, thiết yếu của cuộc sống. Đối với chế độ dành cho cán bộ quản lý cần quy định thêm các điều khoản chặt chẽ hơn. Thực tế hiện nay nhiều cán bộ quản lý ở các phòng giáo dục quay về trường làm công tác giảng dạy không được hưởng phụ cấp trong thời gian  làm công tác quản lý. Công tác quản lý về giáo dục cần được phân định rõ hơn vì lâu nay có tình trạng mỗi nơi làm mỗi khác. Điển hình như việc bổ nhiệm trưởng phòng GD-ĐT nên quy định thống nhất cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm.

Các đại biểu tham dự cũng đã có ý kiến điều chỉnh, bổ sung một số câu từ trong Dự thảo luật. Những ý kiến đóng góp của cán bộ quản lý, giáo viên đã được Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, tổng hợp và lựa chọn để góp ý bổ sung cho Dự thảo luật Giáo dục trình Quốc hội.

Theo Báo Đắk Nông điện tử