THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

“Dồn lực” bảo vệ, phát triển bền vững rừng Tây Nguyên
Ngày đăng 06/09/2019 | 08:48  | View count: 73489

Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, việc triển khai Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2030 (đề án) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có vai trò rất cấp thiết nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng đối với toàn khu vực.

 

Rừng trồng dọc quốc lộ 28 trên địa bàn xã Đắk Som (Đắk Glong)

Vai trò quan trọng của rừng Tây Nguyên

Tây Nguyên hiện nay có tổng diện tích tự nhiên gần 5,5 triệu ha, chiếm gần 17% diện tích cả nước, trong đó diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp trên 3,2 triệu ha, chiếm gần 20% diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp cả nước, với dân số khoảng 5,1 triệu người.

Là địa bàn chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và môi trường cho khu vực các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, vùng hạ lưu sông Mê Kông, Tây Nguyên được coi là mái nhà Đông Dương, với diện tích rừng chiếm hơn 46% diện tích tự nhiên của vùng. Vì thế, rừng Tây Nguyên có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường. Rừng được coi là cội nguồn của đời sống tâm linh, là phần sâu xa của con người và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Mất rừng thì sẽ làm mất đi nền tảng, bản sắc văn hóa Tây Nguyên.

Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra rất phức tạp. Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, từ năm 2010 đến 2015, Tây Nguyên là khu vực có tốc độ suy giảm rừng nhanh và nghiêm trọng nhất cả nước, cả về diện tích, chất lượng, tổng diện tích có rừng giảm 312.416 ha, độ che phủ của rừng giảm 5,8%, trữ lượng rừng giảm hơn 25,5 triệu m3, tương ứng giảm 7,8% tổng trữ lượng.

Việc chuyển đổi rừng sang mục đích khác, tình trạng dân di cư tự do, xâm lấn đất trái phép, vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng xảy ra nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Tây Nguyên vẫn là trọng điểm phá rừng, điểm nóng nhất trong bảo vệ rừng của cả nước.

Diện tích rừng tự nhiên của khu vực Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị suy giảm; tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 của 3/5 tỉnh là Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông trong khu vực tiếp tục bị giảm so với năm 2017. Diện tích rừng do các các ty lâm nghiệp bị giải thể hiện chưa được quản lý, bảo vệ phù hợp. Việc sắp xếp các công ty lâm nghiệp diễn ra chậm, chưa có hiệu quả rõ rệt; còn vướng mắc về đất đai. Một số địa phương chưa kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

 

Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030 được phê duyệt với tổng số vốn 28.554 tỷ đồng để thực hiện bảo vệ hơn 2,246 triệu ha rừng tự nhiên hiện có; ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật và mua bán vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật, chống người thi hành công vụ. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của khu vực Tây Nguyên.

 

Phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Hà Công Tuấn thì để đạt mục tiêu đến năm 2030, diện tích rừng Tây Nguyên đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2% theo đề án đề ra đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan quản lý và cộng đồng xã hội toàn khu vực Tây Nguyên phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Nhiệm vụ quan trọng trong năm 2019 là các tỉnh Tây Nguyên nhanh chóng xây dựng kế hoạch thực hiện đề án, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả đề án. Các tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án bảo vệ và phát triển rừng (BV-PTR) trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020; rà soát, bố trí vốn thực hiện các dự án BV-PRT. Các địa phương có kế hoạch, kịch bản, giải pháp cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ về BV-PTR, chi trả dịch vụ môi trường rừng, sắp xếp đổi mới công ty lâm nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo các chủ rừng hoàn thành việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.

Bên cạnh đó, các tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trong công tác quản lý, BV-PTR theo đúng tinh thần nội dung Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư và Thông báo số 191/TB-VPCP, ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ; trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án phá rừng trên địa bàn; chủ động, nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả công tác phòng chống cháy, chữa cháy để hạn chế thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy rừng; rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Nhiệm vụ tiếp theo là thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên trong suốt quá trình thực hiện đề án. Theo đó, hằng năm, các tỉnh có kế hoạch cụ thể thực hiện đề án; xây dựng, triển khai thực hiện dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó ưu tiên: Các chỉ tiêu nhiệm vụ còn thiếu của đề án trong giai đoạn 2016 – 2020; nhiệm vụ cấp bách, BV-PTR, phát triển lâm nghiệp công nghệ cao, quản lý rừng cộng đồng, cải thiện sinh kế, phát triển sản phẩm lâm nghiệp; lợi thế của từng địa phương; phát triển lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trong; chế biến, thương mại lâm sản; quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.

Theo Báo Đắk Nông điện tử