THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), tỉnh Đắk Nông đã và đang tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Kỳ 1: Sắp xếp bộ máy - nhìn từ ngành Y tế
Năm 2018, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), ngành Y tế đã tiến hành sắp xếp, đổi mới toàn diện hệ thống y tế nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong giai đoạn mới.
Trung tâm Y tế huyện được thành lập trên cơ sở sáp nhập các đơn vị y tế tuyến huyện |
Tinh gọn hệ thống y tế tuyến tỉnh
Đầu tháng 11/2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 trung tâm trực thuộc Sở Y tế gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội.
Theo bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, sau khi sáp nhập, hầu hết các khoa, phòng đặc thù của mỗi đơn vị đều được giữ lại để làm đúng chức năng từ trước tới nay. Còn đối với các bộ phận khác như kế hoạch, kế toán, văn thư... thì được gộp chung.
Cụ thể, trước đây, mỗi trung tâm cũ có từ 5-7 khoa chuyên môn, sau sắp xếp, sáp nhập đã được gộp lại thành 12 khoa. Số phòng chức năng cũng giảm từ 10 phòng còn 3 phòng. Số lượng cán bộ, nhân viên làm việc tại các phòng chức năng giảm từ 36 người xuống còn 21 người. Đối với lực lượng cán bộ, nhân viên bị giảm bộ phận hành chính được sắp xếp vị trí việc làm mới phù hợp chuyên môn, nghiệp vụ.
Sau sáp nhập, Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp được tăng cường thêm bác sĩ phục vụ công tác khám, chữa bệnh |
Chị Lương Thị Nhật Loan trước đây là nhân viên văn thư tại Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, nay được chuyển về khoa dinh dưỡng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Tôi học chuyên ngành dược nhưng nhiều năm qua lại làm việc trái với chuyên môn được học. Sau khi sáp nhập, tôi được sắp xếp, phân công nhiệm vụ phù hợp chuyên môn, sở trường hơn. Trong thời gian công tác tại vị trí mới, tôi luôn cố gắng học hỏi, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu công việc".
Cũng theo bác sĩ Thành, mặc dù bước đầu hoạt động còn nhiều khó khăn, lúng túng, nhưng sau gần 9 tháng thành lập, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, cung cấp dịch vụ y tế cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã hoàn thành đạt và vượt 110 chỉ tiêu đề ra trong năm 2019, chiếm 70,1%. Các chương trình y tế như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số - kế hoạch hóa gia đình… tiếp tục được duy trì thường xuyên.
Tập trung nguồn lực cho y tế tuyến huyện
Cùng với việc sắp xếp các đơn vị tuyến tỉnh, ngành Y tế cũng tập trung sắp xếp, tinh gọn hệ thống y tế cơ sở. Đến cuối tháng 11/2018, ngành đã hoàn thành việc thành lập và đưa vào vận hành hoạt động của các trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện để thực hiện song song hai nhiệm vụ điều trị và dự phòng.
Điển hình, sau gần 9 tháng vận hành mô hình hoạt động mới, TTYT huyện Đắk R'lấp đã từng bước khắc phục được những khó khăn, vướng mắc ban đầu để thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn đề ra.
Theo bác sĩ Phạm Khánh Tùng, Giám đốc TTYT huyện Đắk R'lấp, sau khi sáp nhập, đơn vị đã tăng cường thêm 10 bác sĩ cho công tác khám, chữa bệnh và hiện có hơn 70 bác sĩ bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh cũng như y tế dự phòng được triển khai thường xuyên, hiệu quả. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận khoảng 600-800 người đến khám và điều trị. Với nguồn nhân lực bảo đảm, Trung tâm đã cử đi đào tạo cũng như nhận chuyển giao nhiều dịch vụ kỹ thuật mới đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân.
Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp cử y, bác sĩ tổ chức khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm tại Trạm y tế xã Nghĩa Thắng |
Tương tự, với mô hình hoạt động mới, TTYT huyện Đắk Song có 14 khoa, phòng, giảm 5 khoa, phòng so với trước đây. Sau khi thành lập, TTYT huyện đã tăng cường thêm 6 bác sĩ, nhân viên y tế cùng nhiều máy móc, thiết bị phục vụ việc khám, điều trị bệnh. Theo bác sĩ Nguyễn Trường Ký, Giám đốc TTYT huyện Đắk Song, với mô hình hoạt động mới, TTYT huyện đa chức năng hoàn toàn có thể chủ động, linh hoạt trong việc điều động nhân lực cũng như phương tiện, trang thiết bị máy móc một cách hợp lý, phục vụ tốt cả công tác điều trị lẫn dự phòng.
Theo đánh giá của Sở Y tế, đối với các TTYT tuyến huyện, trong giai đoạn đầu sáp nhập, việc thay đổi cách quản lý, điều hành đơn vị nhỏ, chuyên sâu một vài lĩnh vực sang đơn vị lớn, điều hành tổng thể, nhiệm vụ lồng ghép nên không tránh khỏi một số trở ngại trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tuy nhiên, đến nay, các TTYT tuyến huyện đã từng bước khắc phục khó khăn, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, hoạt động khám, chữa bệnh được duy trì thường xuyên, công suất sử dụng giường bệnh trung bình đạt 82%. Trong đó, một số trung tâm có công suất sử dụng giường bệnh đạt cao như: Đắk R'lấp 91%, Đắk Song 90%, Đắk Mil 82,7%, Cư Jút 78%...
Trung tâm Y tế huyện Cư Jút lồng ghép hoạt động tuyên truyền, tư vấn về phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em trong khoa Nhi |
Đặc biệt, với việc tập trung được nguồn nhân lực và trang thiết bị, máy móc, các TTYT tuyến huyện đã mạnh dạn cử nhân viên y tế đi đào tạo, nhận chuyển giao cũng như triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mới nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng của người dân. Đối với lĩnh vực dự phòng, TTYT các huyện, thị xã đã quan tâm thực hiện tốt các chương trình phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm cũng như các chương trình y tế cộng đồng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình...
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, tình hình bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh sởi và sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Mặc dù mô hình hoạt động còn mới, nhưng các TTYT tuyến huyện đã nỗ lực tập trung các nguồn lực để khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.
Theo Sở Y tế, hiện nay, toàn ngành có 15 đơn vị trực thuộc gồm: 3 đơn vị hành chính, 4 đơn vị sự nghiệp y tế tuyến tỉnh và 8 trung tâm y tế tuyến huyện, giảm 22 đơn vị so với trước sắp xếp, sáp nhập. Số phòng chức năng giảm từ 63 phòng còn 38 phòng. Số khoa chuyên môn từ 110 khoa giảm còn 88 khoa. Ngoài ra, ngành cũng giảm được 34 vị trí giám đốc, phó giám đốc, 43 người làm hành chính - kế toán, 17 văn thư - lưu trữ… |
Sự đồng thuận là "chìa khóa" thành công
Để thực hiện tốt việc sắp xếp, tinh gọn hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở, ngành luôn xác định sự đồng thuận của tập thể cán bộ, viên chức, lao động chính là "chìa khóa" thành công. Vì vậy, ngoài việc triển khai đầy đủ các văn bản, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giúp cán bộ, viên chức, người lao động nắm rõ ý nghĩa, nội dung, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác sắp xếp bộ máy.
Khi xây dựng đề án sáp nhập, các nội dung đều được gửi đến tất cả lãnh đạo, nhân viên trong ngành để tham gia ý kiến. Khi có được sự nhất trí cao và được phê duyệt, ngành Y tế tỉnh đã triển khai theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đúng quy định. Quy trình giới thiệu, đề nghị, bổ nhiệm vị trí lãnh đạo, sắp xếp lại các bộ phận cũng phải bảo đảm công khai, minh bạch.
Thực tế cho thấy, bước đầu thực hiện tinh gọn, sắp xếp bộ máy đã giúp ngành khắc phục sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, quản lý chuyên môn; nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả quản lý của các phòng, khoa, đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, việc sắp xếp, đổi mới cũng giúp các đơn vị tập trung cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.
Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp, kiện toàn bộ máy theo hướng hoạt động hiệu quả, ngành Y tế tiếp tục tập trung thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế… bảo đảm phục vụ tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, ngành sẽ nghiên cứu các giải pháp để từng bước điều chỉnh, khắc phục khó khăn trong từng giai đoạn cụ thể trên cơ sở dân chủ, công khai, minh bạch nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề án đề ra.
Theo Báo Đắk Nông điện tử