THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Sáng 03/11 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đại biểu Ngô Thanh Danh - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Cổng thông tin điện tử xin giới thiệu nội dung phát biểu của đại biểu Ngô Thanh Danh.
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội.
Về cơ bản, Tôi tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Tôi xin có một số ý kiến như sau:
1. Về tiêu chuẩn thành viên của Cơ quan đại diện (khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 17)
Điều 17 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định cụ thể các tiêu chuẩn đối với thành viên cơ quan đại diện. Theo đó, tiêu chuẩn đối với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền ngoài việc tuân thủ những tiêu chuẩn chung còn phải đáp ứng một số tiêu chuẩn riêng trong đó có tiêu chuẩn về độ tuổi được quy định tại điểm h khoản 2 của Điều 17 như sau" Trong độ tuổi đủ để hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ công tác, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ".
Quy định tại điểm h khoản 2 Điều 17 của dự thảo luật chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành cũng như chủ trương của Đảng về việc giới thiệu, bổ nhiệm Đại sứ, chưa gắn với các điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ theo quy định tại Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử được ban hành theo Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 4/7/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Về cơ bản, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền là cán bộ, công chức nên phải tuân thủ những quy định của Luật Cán bộ, công chức và Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhu cầu cán bộ, vẫn cần cán bộ, dó đó vẫn cần những trường hợp đặc biệt. Và việc này giao Chính phủ là phù hợp.
2. Bổ sung quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng của Cơ quan đại diện (khoản 4 Điều 1 của dự thảo Luật bổ sung khoản 3 Điều 16)
Luật Đầu tư công năm 2014 chỉ quy định: "Việc thực hiện chương trình, dự án đầu tư công tại nước ngoài tuân thủ các quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế giữa bên Việt Nam với bên nước ngoài" (khoản 3 Điều 3). Tuy nhiên, dự thảo Luật này lại đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 16 như sau: "Việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng của Cơ quan đại diện được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế, thỏa thuận giữa Việt Nam với quốc gia tiếp nhận và pháp luật của quốc gia tiếp nhận. Trường hợp pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia tiếp nhận có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng pháp luật của quốc gia tiếp nhận."
Quy định như trong dự thảo Luật về việc áp dụng pháp luật của quốc gia tiếp nhận là không thống nhất với quy định của Luật Đầu tư công. Trong Báo cáo tổng kết 07 năm thi hành Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài Chính phủ cũng không có tổng kết về nội dung này. Đề nghị cơ quan soạn thảo cung cấp nội dung này. Nếu thấy cần thiết quy định thì phải sửa quy định của Luật Đầu tư công có liên quan để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
3. Về vị trí của cơ quan đại diện trong hệ thống cơ quan nhà nước
Trong Luật Cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều chỉ quy định Cơ quan đại diện được Chính phủ thành lập và do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, qua hoạt động giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 vừa qua cho thấy thực tế Bộ Ngoại giao chủ yếu chỉ thay mặt Chính phủ quản lý hoạt động của các Cơ quan đại diện và trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Tuy là cơ quan chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định Đề án về tổ chức bộ máy và chỉ tiêu biên chế các Cơ quan đại diện nhưng Bộ Ngoại giao không quản lý toàn bộ việc sử dụng biên chế cũng như quản lý cán bộ, công chức tại các cơ quan này.
Để làm rõ hơn về vị trí pháp lý của các Cơ quan đại diện, tăng cường trách nhiệm của Bộ Ngoại giao trong việc quản lý về tổ chức, bộ máy, biên chế, nhân sự đối với các cơ quan này, đề nghị trong Luật cần khẳng định rõ Cơ quan đại diện do Chính phủ thành lập, thuộc cơ cấu, tổ chức của Bộ Ngoại giao, toàn bộ biên chế do Bộ ngoại giao quản lý. Theo quy định của Nghị định số 26/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ quy định Bộ ngoại giao quản lý các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
4. Về tổ chức bộ máy của cơ quan đại diện
Tại kỳ họp thứ 3 vừa qua (tháng 6/2017), Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý ngoại thương, trong đó quy định: "Đại diện thương mại được tổ chức ở những địa bàn có nhu cầu phát triển hoạt động ngoại thương có chức năng phục vụ phát triển hoạt động ngoại thương của đất nước theo quy định của pháp luật, hỗ trợ bảo vệ lợi ích kinh tế, thương mại của Việt Nam, thương nhân Việt Nam trong hoạt động ngoại thương"; "Việc tổ chức, hoạt động của đại diện thương mại thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài" (Điều 107). Tuy nhiên, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này, nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy của Cơ quan đại diện, cụ thể là đại diện thương mại (tại Điều 14 của Luật Cơ quan đại diện) chưa được xem xét điều chỉnh. Trong Tờ trình, Chính phủ có đề xuất việc cần tách riêng kinh phí hoạt động dành cho hoạt động thường xuyên của bộ phận thương vụ (mục 3 phần IV). Như vậy, bộ phận thương vụ và đại diện thương mại có phải là một không; các tiêu chí thành lập, mô hình tổ chức và quản lý đối với bộ phận này thực hiện như thế nào. Đây là các nội dung đề nghị Chính phủ cần làm rõ để tránh những vướng mắc, chồng chéo trong công tác tổ chức, quản lý, điều hành có thể phát sinh sau này.
Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội