THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 2/11 Quốc hội thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN). Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tham gia phát biểu đóng góp ý kiến việc thực hiện thu, chi NSNN năm 2017 và dự toán năm 2018. Cổng thông tin điện tử xin giới thiệu nội dung phát biểu của đại biểu Nguyễn Trường Giang.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tham gia góp ý về việc thực hiện thu, chi NSNN năm 2017 và dự toán năm 2018 |
a) Về thu ngân sách nhà nước năm 2017
Theo Báo cáo, dự thu NSNN ước tăng nhưng toàn bộ số tăng là vượt thu ngân sách địa phương, khả năng hụt thu ngân sách trung ương là điều đáng lưu ý do năm 2017 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020, khi điều chỉnh tỷ lệ điều tiết giữa các cấp ngân sách so với giai đoạn trước đã được xác định trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm ngân sách trung ương với vai trò chủ đạo theo Điều 55 của Hiến pháp. Tôi đồng ý với giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính trước Quốc hội về các giải pháp tăng thu cho ngân sách trung ương đồng thời xin nhấn mạnh các giải pháp về cải cách thể chế.
Cho đến thời điểm này theo Chương trình xây dựng Luật pháp lệnh năm 2018 thì chưa có sửa đổi các đạo luật về thuế. Việc chậm trình Quốc hội ban hành thể chế hóa các quan điểm, chính sách thu theo mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách trung ương. Đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của một số đạo luật về thuế để thực hiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng; rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế; nghiên cứu bổ sung thuế tài sản phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam có như vậy mới hoàn thành được Kế hoạch tài chính 5 năm. (Trần Quang Chiểu đoàn Hưng Yên)
b) Về chi ngân sách nhà nước năm 2017
Việc thực hiện công tác phân bổ, giao dự toán và giải ngân tuy có tốt hơn năm trước nhưng vẫn còn chậm, đặc biệt là đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản, trong những tháng đầu năm đạt thấp. Việc vốn chi đầu tư xây dựng cơ bản giải ngân chậm trong những tháng đầu năm sẽ dẫn đến phải gia tăng mạnh trong những tháng cuối năm, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án và có thể dẫn tới việc quản lý nguồn vốn không chặt chẽ như đã tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được khắc phục. Đối với vốn trái phiếu Chính phủ, tiến độ giải ngân chỉ đạt 7% (Nếu so với giải ngân với số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao thì đạt 18% (cùng kỳ năm 2016 đạt 38,8%) trong khi đã phát hành 80,8% tổng khối lượng phát hành TPCP kế hoạch năm với lãi suất bình quân khoảng 6,1%/năm dẫn đến lãng phí do tồn đọng vốn tại Kho bạc Nhà nước và vẫn phải trả lãi.
Vấn đề này đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình trước Quốc hội, giải pháp của đại biểu Nguyễn Hữu Toàn- Đoàn Lai Châu, tôi đồng ý và mong rằng những hạn chế này năm tới chúng ta không phải đề cập đến, nhất là những hạn chế xuất phát từ nguyên nhân chủ quan; đối với những nguyên nhân liên quan đến thể chế, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu từ cần sớm ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi phù hợp.
2. Về dự toán NSNN năm 2018
Tôi cho rằng, chỉ tiêu thu ngân sách năm 2018 do Chính phủ trình là phù hợp, bảo đảm mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá tác động đến thu NSNN của việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số luật của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh để xây dựng dự toán NSNN năm 2018 sát thực tiễn.
Về chi thường xuyên, nếu tính cả chi cải cách tiền lương và tinh giảm biên chế thì chi thường xuyên chiếm 64,1%, thấp hơn so với năm 2017 là 64,2%. Mức chi này phụ thuộc nhiều vào kết quả cải cách tiền lương và tinh giảm biên chế. Do đó, tôi đồng ý với nhiều đại biểu đã phát biểu trước tôi, kiến nghị của Đoàn giám sát việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước đã chỉ ra, Quốc hội đã thảo luận về việc tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy, đầy mạnh tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập thì mới có thể thực hiện được mức giảm chi thường xuyên theo Kế hoạch tài chính 5 năm của Quốc hội.
3. Về tình hình hoạt động các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý
Báo cáo mới nêu chi phí quản lý đối với Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ bảo hiểm y tế. Tôi đề nghị xem lại các chi phí quản lý đối với các quỹ này, cụ thể, năm 2017: Quỹ bảo hiểm xã hội thu 259,9 nghìn tỷ (trong đó thu lãi hoạt động đầu tư quỹ là 21,6 nghìn tỷ đồng), chi 184,5 nghìn tỷ đồng, trong đó chi quản lý quỹ là 7,4 nghìn tỷ đồng (1,7% tổng thu- chi; 34,2% lãi hoạt động đầu tư quỹ); quỹ bảo hiểm thất nghiệp thu 18,2 nghìn tỷ (trong đó thu lãi hoạt động đầu tư quỹ là 4,2 nghìn tỷ đồng), chi 9,2 nghìn tỷ đồng, trong đó chi quản lý quỹ là 497,7 tỷ đồng (1,8% tổng thu- chi; 11,85% tiền sinh lời); Quỹ bảo hiểm y tế thu 84,4 nghìn tỷ (trong đó thu lãi hoạt động đầu tư quỹ là 3,5 nghìn tỷ đồng), chi 92,7 nghìn tỷ đồng, trong đó chi quản lý quỹ là 4 nghìn tỷ đồng (2,2% tổng thu -chi; 114,3% lãi từ đầu tư quỹ).
Tôi đề nghị có giải pháp hữu hiệu để giảm chi phí quản lý quỹ. Để giảm chi phí quản lý quỹ, đề nghị đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin đi cùng với tinh giảm biên chế. Qua giải trình của Bộ trưởng Bộ y tế, việc giám định hồ sơ chi trả bảo hiểm y tế đã được hiện đại hóa. Tôi cho rằng đã hiện đại hóa thì cần phải tinh giảm biên chế thì mới có khả năng giảm chi phí quản lý. Đồng thời, tôi đồng ý với kiến nghị của Ủy ban tài chính ngân sách về việc sắp xếp các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để tránh phân tán nguồn lực, đặc biệt là đối với một số quỹ nguồn thu chủ yếu từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, quỹ có nhiệm vụ chi trùng nhau, báo cáo Quốc hội kỳ họp cuối năm 2018 và bổ sung nội dung này vào Nghị quyết của Quốc hội.
4. Đối với kiến nghị để lại 70% số thu từ xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phát sinh trên địa bàn cho địa phương trên cơ sở số năm liền kề. Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, về nguyên tắc các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện. Để Quốc hội có đủ thông tin quyết định, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về sự cần thiết bổ sung từ NSTƯ cho NSĐP khoản này và báo cáo rõ là chỉ thực hiện trong năm 2018 hay là từ năm 2018 trở đi. Nếu xử phạt thu được thấp hơn số tiền xử phạt thu được so với dự toán trên cơ sở số năm liền kề thì xử lý như thế nào.
Về số dự toán chưa phân bổ, như khoản 120 tỷ dự toán chi 2 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2018. Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước thì chưa phân bổ chính là khoản dự phòng. Vậy khoản này có phải là dự phòng không cần được làm rõ.
Kính thưa Quốc hội
Đắk Nông là một tỉnh chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tỉnh nghèo, hạ tầng yếu kém. Thời gian vừa qua đã được sự quan tâm của trung ương nên đã có những bước phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật của Đắk Nông nói riêng, khu vực tây nguyên nói chung còn yếu kém. Các tuyến liên đường liên huyện xuống cấp nghiêm trọng; hạ tầng lưới điện quốc gia tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ. Cử tri Đắk Nông kiến nghị trong thời gian tới trung ương cần quan tâm hơn đến đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực này.
Tôi xin hết,
Trân trọng cảm ơn Quốc hội