THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH
Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc Hội khóa XIV, sáng 29/5, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của dự án Luật tố cáo (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng tại sản nhà nước (sửa đổi), các Đại biểu đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã nêu ý kiến, đề nghị Quốc hội cân nhắc về việc quy định nội dung tại Điều 21 của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) về nhiệm vụ của cơ quan quản lý tài sản công.
Cổng Thông tin điện tử xin giới thiệu nội dung góp ý của Đại biểu Nguyễn Trường Giang.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nêu ý kiến tại phiên thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) |
Về cơ bản, tôi nhất trí với nhiều nội dung quy định trong dự thảo Luật và nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước tôi. Tôi xin có một ý kiến vào Điều 21 của dự thảo Luật, cụ thể như sau :
Điều 21 dự thảo Luật quy định:
1. Bộ trưởng Bộ Tài chính giao cơ quan quản lý tài sản công thuộc Bộ giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương giao một đầu mối giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trong việc quản lý tài sản công.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cơ quan tài chính cùng cấp giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong việc quản lý tài sản công.
Tức là Luật này quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan bên trong bộ và cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân trong quản lý tài sản công. Tôi đề nghị cân nhắc nội dung trên đây vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 23 và Điều 34 Luật Tổ chức Chính phủ thì Chính phủ có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ mà mình là người đứng đầu; theo quy định tại Điều 21 và Điều 28 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình. Như vậy, đây là nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp.
Thứ hai, việc cho rằng Luật này cần quy định một điều về Cơ quan quản lý tài sản công là nhằm mục đích bảo đảm tính thống nhất quản lý tài sản công với một đầu mối và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý tài sản công đã có ở các bộ, ngành, địa phương mà không làm tăng biên chế và bộ máy quản lý là không cần thiết. Chủ trương "Một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính" là một nguyên tắc đã được ghi trong Nghị quyết Trung ương 5 Khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Chính phủ, Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân các cấp khi quyết định giao thẩm quyền quản lý tài sản công, thực hiện chủ trương này sẽ bảo đảm thống nhất trong quản lý tài sản công.
Thứ ba, nội dung Điều 21 của dự thảo Luật chủ yếu dẫn chiếu quy định tại các điều 17, 18 và 20; khái niệm "cơ quan quản lý tài sản công" cũng không rõ ràng và khó phân biệt với cơ quan được giao quản lý tài sản công tại một số điều luật khác như Điều 23 và Điều 24 của dự thảo Luật. Quy định tại khoản 2 về việc "giao một đầu mối" sẽ dễ dẫn đến cách hiểu rằng ở các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý tài sản công, có thể phát sinh tổ chức mới, tăng thêm biên chế, không phù hợp với chủ trương thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế và cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành cũng không quy định về nội dung này.
Thứ tư, tại Báo cáo số 157/BC-CP ngày 27/4/2017 của Chính phủ báo cáo Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, phần nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế có nêu nguyên nhân của việc chưa tuân thủ các quy định về thành lập tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp, vướng mắc trong quá trình sắp xếp, kiện toàn các tổ chức, tinh giảm biên chế theo yêu cầu là do "vẫn còn tình trạng quy định cụ thể các tổ chức ngay trong các văn bản pháp luật chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức Nhà nước" từ đó Chính phủ kiến nghị "Đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi xây dựng các dự án luật, nghị quyết, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội không đưa các quy định về tổ chức, bộ máy và biên chế (thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) vào trong các văn bản luật, pháp lệnh không thuộc lĩnh vực tổ chức Nhà nước".
Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo về mặt thẩm quyền, tôi đề nghị không quy định nội dung này trong Luật.
Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.
Nam Nhật