THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH
Sáng 26/5, các Đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV tiếp tục chương trình kỳ họp với việc nghe Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quy hoạch do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày, sau đó tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch, Đại biểu Võ Đình Tín - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã phát biểu, góp ý kiến về một số điều, nội dung của dự thảo Luật nói trên như: thời kỳ quy hoạch, hệ thống quy hoạch, điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành của Luật. Cổng Thông tin điện tử xin giới thiệu nội dung phát biểu của Đại biểu Quốc Hội Võ Đình Tín:
Đại biểu Võ Đình Tín nêu ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Quy hoạch tại Hội trường Kỳ họp thứ 3 Quốc Hội Khóa XIV |
Kính thưa chủ tọa kỳ họp! Kính thưa Quốc hội! Tôi đánh giá cao trách nhiệm của cơ quan trong việc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan để chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Tôi xin có một số ý kiến cụ thể như sau:
1. Thời kỳ quy hoạch ( Điều 8)
Dự thảo Luật quy định thời kỳ quy hoạch cấp quốc gia là 10 năm, tầm nhìn là 20 năm. Tuy nhiên, quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng có tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm. Tôi đề nghị xem xét lại thời kỳ quy hoạch vì hai nguyên nhân bất hợp lý sau:
- Đối với quy hoạch tổng thể quốc gia nên có thời kỳ quy hoạch và tầm nhìn chiến lược lâu dài hơn, vì sau khi các quy hoạch cấp quốc gia được lập, phê duyệt mới triển khai quy hoạch tỉnh. Về thời kỳ quy hoạch ngắn có thể dẫn đến tình trạng quy hoạch mới phê duyệt thì quy hoạch quốc gia đã đến thời gian điều chỉnh.
- Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch có giá trị áp dụng trên phạm vi cả nước, tất cả các quy hoạch từ trung ương đến địa phương phải phù hợp với quy hoạch này. Trong khi đó, quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ có thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn 20 năm thì không thể triển khai quy hoạch kết cấu hạ tầng (thuộc quy hoạch ngành) có tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm. Do đó, đề nghị xem xét lại tính hợp lý của thời kỳ quy hoạch trong Dự thảo Luật vì quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược nên thời kỳ quy hoạch và tầm nhìn phải lâu dài hơn.
2. Về hệ thống quy hoạch (Điều 12)
Về cơ bản tôi đồng ý với việc tích hợp, loại bỏ nhiều quy hoạch được quy định trong hệ thống pháp luật hiện nay để bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, khả thi trong việc lập, thực hiện quy hoạch và phát triển của các ngành. Tuy nhiên, để triển khai việc tích hợp nhiều quy hoạch trong hệ thống pháp luật chúng ta cũng chưa lường hết được những khó khăn, tác động tới kinh tế- xã hội. Với hàng nghìn quy hoạch đã được lập và phê duyệt, để bảo đảm tuân thủ nguyên tắc "Bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa, tính ổn định" khi tích hợp các loại quy hoạch sẽ là việc là khó khả thi, có thể tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế- xã hội. Để tích hợp các quy hoạch chuyên ngành, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá, phân tích kỹ hơn tác động của việc tích hợp từng loại quy hoạch ngành theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
3. Về điều khoản chuyển tiếp (Điều 68)
- Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 68 thì đối với quy hoạch quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 5 thì thực hiện đến hết thời kỳ quy hoạch; trường hợp nội dung của quy hoạch đó không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch thì phải điều chỉnh.
Tôi cho rằng quy định trên đây cần được cân nhắc kỹ. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, nếu thời gian kỳ quy hoạch đó không còn nhiều thì có cần sửa đổi theo quy định của Luật Quy hoạch những nội dung không còn phù hợp hay không hay là thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch.
- Điểm b khoản 1 Điều 68 quy định đối với quy hoạch được tích hợp vào các quy hoạch quy định tại Điều 5 của Luật này thì được thực hiện đến hết ngày 31/12/2020. Nghĩa là từ ngày 01/01/2021 các quy hoạch này hết hiệu lực.
Tôi đề nghị cân nhắc quy định trên đây vì theo dự kiến Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Trong thời gian 01 năm, hàng trăm, hàng nghìn quy hoạch phải được tích hợp vào các quy hoạch quy định tại Điều 5 với các công việc như thẩm định, phê duyệt liệu có khả thi không? Nếu phê duyệt không kịp mà các quy hoạch phải tích hợp hết hiệu lực thì xử lý như thế nào?
4. Về hiệu lực thi hành (Điều 69)
Khoản 2 Điều 69 của dự thảo Luật quy định "Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch trong các Luật thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 2 của Luật này bảo đảm phù hợp với Luật quy hoạch và có hiệu lực chậm nhất là ngày 01 tháng 01 năm 2019", Phụ lục 2 của dự thảo Luật đã liệt kê các điều luật cần sửa đổi của 32 luật hiện hành.
Tôi cơ bản thống nhất với ý kiến phân tích của Đại biểu Trần Thị Dung đoàn Điện Biên, song tôi xin có ý kiến bổ sung như sau:
Thứ nhất, theo khoản 2 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì "Trường hợp chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay thì phải xác định rõ trong văn bản mới danh mục văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung trước khi văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực."
Thứ hai, về số lượng các luật cần sửa đổi, theo Danh mục có 32 luật được dự kiến sửa đổi. Qua rà soát sơ bộ hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan nội dung quy hoạch, một số luật như Luật Xuất bản, Luật Dược, Luật Di sản văn hóa, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Nhà ở, Luật Thủ đô, Luật Doanh nghiệp, Luật Phí và lệ phí, Luật Đầu tư công... cũng có quy định về quy hoạch, trong đó có những luật quy định cả trách nhiệm lập, phê duyệt quy hoạch. Các quy định liên quan này có sửa đổi hay không, hay áp dụng khoản 2 Điều 69 của dự thảo Luật tự động hết hiệu lực cũng cần được bổ sung làm rõ.
Thứ ba, về đề xuất các điều luật được sửa đổi trong 32 luật có liên quan, tôi đề nghị cần ra soát, nghiên cứu kỹ các nội dung đề nghị sửa đổi để tránh bỏ sót. Khi sửa các điều khoản có liên quan ở một luật, chúng ta không chỉ phải sửa những điều có liên quan đến quy hoạch mà còn phải sửa các điều có liên quan đến điều luật có nội dung quy hoạch cần sửa.
Để Luật khả thi, tôi đề cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn lộ trình, kế hoạch thực hiện hai việc trước khi Luật có hiệu lực.
- Một là việc quy định chuyển tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh sau khi một số quy hoạch của luật chuyên ngành không được tiếp tục thực hiện;
- Hai là để Luật quy hoạch có hiệu lực từ 01/01/2019 thì việc sửa đổi, bổ sung 32 luật quy định về quy hoạch trong các luật khác phải được Quốc hội thông qua chậm nhất là tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2018).
Tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc Hội!
Nam Nhật