THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Sầu riêng và trách nhiệm chung
Ngày đăng 22/08/2022 | 13:56  | View count: 33434

Mới đây, sau 4 năm đàm phán, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, mở đầu cho việc sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc rộng lớn. Để nắm bắt cơ hội lớn này, vai trò liên kết giữa các nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông càng phải thể hiện rõ nét.

Cơ hội và thách thức

Theo Cục Bảo vệ thực vật, từ ngày 11/7/2022, trái sầu riêng của Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc. Sầu riêng là trái cây thứ 11 của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, cùng với thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt và chanh leo.

Như vậy, sầu riêng Việt Nam nói chung, của Đắk Nông nói riêng muốn xuất khẩu sang Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu và tuân thủ các quy định nội dung Nghị định thư đưa ra. Cụ thể: phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như các yêu cầu nêu trong Nghị định thư này và không nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm.

Tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp-PTNT Việt Nam (MARD) và được cả MARD và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt, đồng thời đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Nghị định thư. Trước khi lô hàng đầu tiên xuất khẩu, MARD phải gửi cho GACC danh sách vườn trồng, cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ cập nhật thường xuyên, đăng trên website của GACC…

Theo Cục Bảo vệ thực vật, việc ký Nghị định thư là một trong những thuận lợi bước đầu, vấn đề còn lại là chúng ta phải chuẩn bị rất kỹ càng, đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ mà thị trường Trung Quốc đề ra. Do đó, các địa phương cần tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nắm vững những quy định về xuất khẩu vì nội dung Nghị định thư có rất nhiều điểm mới buộc chúng ta phải nắm rõ để tránh vi phạm những lỗi kiểm dịch.

Sầu riêng đủ điều kiện chuẩn bị được doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

Hiện Bộ Nông nghiệp-PTNT đã gửi danh sách 57 cơ sở đóng gói và 123 mã vùng trồng của cả nước để nhận sự hướng dẫn nhằm thực hiện các bước tiếp theo. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang chờ GACC phê duyệt danh sách mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu đăng tải trên hệ thống của Trung Quốc. Chỉ khi doanh nghiệp nào được duyệt, doanh nghiệp đó mới được xuất khẩu; vùng nguyên liệu nào đạt tiêu chuẩn, được cấp mã số vùng trồng thì mới được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Rõ ràng, để trái sầu riêng đến được tay người tiêu dùng Trung Quốc bằng đường chính ngạch, có rất nhiều quy định, tiêu chuẩn mới buộc nông dân, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng so với trước đây. Đó là thách thức không nhỏ, nhất là đối với nông dân, song cũng là cơ hội để bà con tổ chức sản xuất chuyên nghiệp hơn. Doanh nghiệp cũng buộc phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt để có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu.

Xúc tiến các bước đi cần thiết

Qua tìm hiểu được biết, trong 5 tỉnh Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 15.100 ha sầu riêng, chiếm 17,6% diện tích của cả nước và là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn thứ hai cả nước (sau tỉnh Tiền Giang); sản lượng thu hoạch năm 2022 ước khoảng 150.000 tấn và dự kiến sản lượng đến năm 2025 là 300.000 tấn. Trước yêu cầu các loại trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải được cấp mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Đắk Lắk đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn và cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói quả tươi phục vụ xuất khẩu.

Đến nay, ngành Nông nghiệp Đắk Lắk đã thiết lập và xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích hơn 1.500 ha và 24 mã cơ sở đóng gói trên địa bàn toàn tỉnh. Tỉnh hiện đang chờ phía Trung Quốc xem xét và cấp mã số cho các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng.

Riêng đối với tỉnh Đắk Nông, năm 2022, ước diện tích sầu riêng toàn tỉnh khoảng 5.000 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 1.758 ha, sản lượng ước đạt 15.000 tấn. Sầu riêng tập trung chủ yếu ở các huyện Ðắk Song, Ðắk R'lấp, Ðắk Mil, Tuy Ðức... Hiện nay, tỉnh Đắk Nông có 4 vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Sở Nông nghiệp-PTNT đã hỗ trợ lập hồ sơ đề nghị xem xét cấp mã số cho các vùng trồng và cơ sở đóng gói này.

Tuy nhiên, như lãnh đạo Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Đắk Nông đã nhận định, với các yêu cầu đặt ra, so sánh với thực tiễn sản xuất sầu riêng của tỉnh thì vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn được xuất khẩu. Chẳng hạn, việc để được cấp mã các vùng trồng, cơ sở đóng gói đều phải thực hành sản xuất theo các quy trình nông nghiệp tốt do nước nhập khẩu đặt ra.

Cụ thể, Trung Quốc đưa ra các tiêu chí để có mã số vùng trồng rất rõ ràng, như: phải ghi chép nhật ký gieo trồng, thu hoạch, những biện pháp theo dõi, xử lý các đối tượng sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm (gồm 1 loài ruồi, 3 loài rệp và 2 loài nấm); không sử dụng các hoạt chất không được sử dụng; áp dụng các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với cây sầu riêng… Điều này buộc các nhà vườn phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định trong quá trình sản xuất, nông dân phải chuyên nghiệp hơn trong quá trình canh tác nhằm duy trì được tác dụng của mã số vùng trồng.

Từ thực tế trên cho thấy, việc đẩy mạnh liên kết giữa "các nhà" là một giải pháp cần thiết để nâng cao trách nhiệm chung, giải quyết đồng bộ các yêu cầu đặt ra trong quá trình xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

 

Khoảng 10 năm trở lại đây, diện tích trồng sầu riêng ở Việt Nam tăng mạnh và hiện đang là loại cây trồng có tốc độ phát triển "nóng" ở Tây Nguyên. Các chuyên gia dự báo, quy mô thị trường tiêu thụ sầu riêng toàn cầu sẽ tăng mạnh trong tương lai. Ðể nắm bắt cơ hội, cộng đồng sản xuất sầu riêng cần phải hợp tác theo chuỗi, chú trọng xây dựng thương hiệu gắn với nâng cao chất lượng; tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy trình sản xuất sầu riêng an toàn; chủ động tìm kiếm thị trường mới…


Theo Báo Đắk Nông Điện tử