THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Vài năm qua, diện tích sầu riêng của tỉnh tăng khá nhanh, trong đó phần lớn do người dân trồng một cách tự phát. Điều này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là mất cân đối về cung, cầu.
Nhiều năm qua, giá sầu riêng vẫn ở mức khá ổn định, bảo đảm cho người trồng có lãi. Do đó, nhiều nông dân đều tìm cách chuyển đổi, mở rộng diện tích sầu riêng để tạo nguồn thu nhập.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thông, thôn 3, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), có hơn 7 ha đất rẫy. Năm nay, ông dự tính sẽ xuống giống 5 ha sầu riêng. Hiện ông đã mua cây giống và tập kết tại rẫy để chờ ngày xuống giống.
Theo ông Thông, trước khi chọn cây sầu riêng, ông đã đi nhiều nơi để tham quan các vườn sầu riêng. Ông gặp gỡ các doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến, xuất khẩu sầu riêng trong, ngoài tỉnh để được tham vấn về kỹ thuật, tiềm năng về đầu ra của sản phẩm.
Ông Thông chia sẻ: "Tôi không thể đánh liều để trồng sầu riêng mà không biết tương lai sản phẩm như thế nào. Thị trường sầu riêng trong nước và trên thế giới khá khả quan. Do đó, tôi mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để xuống giống loại cây trồng này".
Còn ông Bùi Văn Hạnh, ở thôn 6, xã Đắk Ha (Đắk Glong), năm nay cũng xuống giống thêm hơn 100 cây sầu riêng trên diện tích đất trồng cà phê của gia đình.
Theo ông Hạnh, sầu riêng là loại cây trồng cho năng suất, giá cả ổn định nhất nhiều năm qua. Vụ mùa năm ngoái, với 1 ha sầu riêng trồng xen, ông đã thu được trên 150 triệu đồng, gấp gần 3 lần so với cà phê.
Nhiều cơ sở cây giống đang chuẩn bị nguồn giống sầu riêng với số lượng lớn để phục vụ người dân |
Theo lãnh đạo Sở NN – PTNT, sầu riêng là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, diện tích sầu riêng tăng khá nhanh, với khoảng 4.528 ha, tăng khoảng 30% so với 2020.
Sản lượng sầu riêng hằng năm của tỉnh ước khoảng 29.000 tấn. Sầu riêng được bà con sản xuất tập trung nhiều ở Gia Nghĩa, Đắk Mil, Đắk Glong, Đắk Song...
Theo đánh giá của ngành chức năng, diện tích, sản lượng sầu riêng hiện nay đã cơ bản cân bằng với nhu cầu thị trường. Tỉnh cũng đã định hướng tập trung sản xuất sầu riêng theo hướng chất lượng cao thay vì mở rộng diện tích.
Do đó, khi người dân tự phát mở rộng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ. Người dân tự tăng diện tích sầu riêng và hầu như thiếu gắn kết với chế biến, tiêu thụ, nên dễ dẫn đến cung vượt cầu.
Nguồn giống sầu riêng trên địa bàn tỉnh hiện chủ yếu được nhập về từ các tỉnh miền Tây, Đắk Lắk, Lâm Đồng… Trong khi việc đánh giá chất lượng cây giống còn gặp nhiều khó khăn, nên chưa bảo đảm về chất lượng.
Mặt khác, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy quy mô lớn chế biến các sản phẩm từ trái cây, trong đó có sầu riêng. Sầu riêng đến mùa thường được tiêu thụ ở thị trường nội tỉnh và một số tỉnh trong nước, nên đầu ra chưa ổn định.
Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích sầu riêng trong thời điểm hiện nay.
Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương, nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật theo hướng hữu cơ, sinh học, chất lượng cao để nâng cao hiệu quả sản xuất sầu riêng.
Tỉnh cũng đang xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung, tạo mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, giúp sản xuất sầu riêng ổn định, bền vững hơn.
Theo Báo Đắk Nông Điện tử