Kết quả tiếp công dân hàng tháng

Thế giới tuần qua: Những tín hiệu cảnh báo
Ngày đăng 25/07/2022 | 08:57  | View count: 4385

Tuần qua (18 – 24/7), thế giới tiếp tục phải đối mặt với những diễn biến đáng lo ngại của dịch bệnh và hiện tượng biến đổi khí hậu, bên cạnh những tín hiệu mới trên chính trường của một số quốc gia như Sri Lankia hay thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc đạt được giữa Nga và Ukraine…
 
Hình ảnh phóng đại của một phần da được lấy từ vết thương trên da của một con khỉ bị nhiễm virus đậu mùa ở khỉ. (Ảnh: UN) 

COVID-19, đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp, lên mức cảnh báo cao nhất

Trong tuần qua, thế giới chứng kiến các xu thế dịch bệnh COVID-19 đáng lo ngại tại các châu lục và khu vực. Số ca mắc mới tăng vọt trở lại, nhiều nơi ghi nhận số ca kỷ lục.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 8 giờ sáng 24/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 574.389.512 ca, trong đó có tổng cộng 6.402.006 người tử vong. Trong vòng một tuần qua, thế giới ghi nhận 6.513.258 ca mắc mới. Số ca tử vong vì COVID-19 trong tuần là 13.269 ca (giảm 334 ca, tương đương 3% so với một tuần trước). Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất (837.508 ca), đồng thời cũng là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới (2.316 ca, giảm 10% so với tuần trước nữa).

Bên cạnh đó, ngày 23/7, số ca mắc mới COVID-19 ở Nhật Bản lần đầu tiên đã vượt 200.000 ca, đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc cao kỷ lục trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 7 ở nước này chủ yếu do biến thể phụ BA.5 của Omicron.

New Zealand thì ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao kỷ lục trong bối cảnh làn sóng mới lây nhiễm biến thể Omicron đang ảnh hưởng đến nhóm người cao tuổi. Dữ liệu của Bộ Y tế New Zealand cho thấy trong 7 ngày tính đến 16/7, số ca tử vong là 151 ca, cao hơn nhiều so với 115 ca vào tuần tồi tệ nhất trong làn sóng lây nhiễm trước đó hồi tháng 3. Trong 24 giờ qua, 26 người đã tử vong vì COVID-19, đều trên 60 tuổi. Biến thể dòng phụ BA.5 là biến thể chủ đạo trong làn sóng lây nhiễm hiện nay ở New Zealand, hiện đã làm 5,1 triệu người nhiễm. 

Trong khi đó, ngày 23/7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu - mức báo động cao nhất mà cơ quan này có thể phát đi. "Tôi đã quyết định tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu hiện nay là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng mà quốc tế lo ngại" - ông Tedros nói.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mô tả bệnh đậu mùa khỉ là một mối đe dọa sức khỏe đang ngày càng gia tăng. Ông kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới tăng cường giám sát, truy vết, xét nghiệm và đảm bảo rằng những người có nguy cơ cao được tiếp cận với vaccine và thuốc kháng virus. 

Động thái trên đồng nghĩa WHO giờ đây coi vụ bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là mối đe dọa đủ lớn đối với sức khỏe toàn cầu và cần có một phản ứng quốc tế mang tính phối hợp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan xa hơn và ngăn chặn nó leo thang thành đại dịch.

Xe buýt chở khách du lịch đi ngang qua nhiệt kế ngoài trời hiển thị 49 độ C ở Gran Via, trung tâm thành phố Madrid, Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP) 

Nắng nóng kỷ lục tại Mỹ và châu Âu

Đợt nắng nóng kỷ lục đang diễn ra tại Mỹ và châu Âu, khiến các nhà chức trách địa phương phải cảnh báo người dân về những rủi ro sức khỏe.

Hơn 50% số bang tại Mỹ đã nhận cảnh báo về nền nhiệt cao, với nhiệt độ cao nhất dao động ở mức hơn 46 độ C ở hai bang Texas và Oklahoma. Ít nhất 4 bang gồm Arkansas, Illinois, Kansas và Missouri đã chứng kiến mức nhiệt tăng hơn tối thiểu 10 độ C so mức trung bình lịch sử cho thời điểm này trong năm.

Trong khi đó, thị trấn Coningsby ở Lincolnshire (Anh) đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất mọi thời đại là 40,3 độ C vào ngày 19/7, phá kỷ lục về nền nhiệt cao ở nước này thiết lập chỉ vài giờ trước đó ở thủ đô London là 40,2 độ C.

Các cộng đồng ở Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đã chống chọi với nhiệt độ cao và tình trạng cháy rừng.

Ở cả hai phía của Đại Tây Dương, nhiệt độ cao gây ra các ca tử vong, khi có ít nhất 13 trường hợp tử vong đã được ghi nhận ở Anh (tính đến ngày 20/7), nơi nhiều người sống mà không có máy điều hòa không khí vì nhiệt độ hiếm khi đạt đến mức 32,2 độ C.

Ít nhất 500 người đã chết vì nắng nóng ở các bang Oregon, Washington, Idaho và miền Nam Canada vào mùa Hè năm ngoái, trong đợt nắng nóng ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương.

Những đợt nóng được cảnh báo sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu và sự thiếu hụt các hành động để làm chậm lại tiến trình này. Thời tiết nắng nóng kỷ lục vào mùa hè cho thấy cần phải có hành động quyết liệt đối với biến đổi khí hậu, trong bối cảnh nhiệt độ cao có thể làm tăng phát thải khí nhà kính.

Theo ông Michael Gerrard, Giám đốc Trung tâm Luật biến đổi khí hậu Sabin thuộc Trường Luật Columbia, phần lớn lượng phát thải khí nhà kính đến từ việc tiêu thụ năng lượng, chủ yếu là để tạo ra điện. Nhiệt độ quá cao làm tăng đáng kể nhu cầu sử dụng máy điều hòa không khí, vốn là vật tiêu thụ năng lượng đáng kể. Tình trạng nắng nóng khiến lưới điện ngày càng quá tải.

Chuyên gia Samantha Gross, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến an ninh năng lượng và khí hậu của Viện Brookings cho biết, nhiệt độ quá cao đồng nghĩa với nhu cầu sản xuất điện tăng, trở thành một vấn đề quan ngại do nhu cầu đặc biệt đối với khí đốt để phát điện ở châu Âu tăng vọt trong mùa hè. Tình trạng nắng nóng chưa từng có đang gây khó khăn cho việc bổ sung các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên để chuẩn bị cho mùa đông.

Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh, đợt nắng nóng cao điểm ở châu Âu trong tuần qua cho thấy sự cần thiết phải có một hành động phối hợp toàn châu lục để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tàu chở hàng cập cảng tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

ADB hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của khu vực châu Á đang phát triển

Ngày 20/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á đang phát triển trong năm 2022 xuống còn 4,6%, thấp hơn so với mức 5,2% đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Động thái này phản ánh tình hình kinh tế đang xấu đi do căng thẳng địa chính trị, sự siết chặt tiền tệ hơn nữa ở các nền kinh tế phát triển và những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong báo cáo kinh tế thường niên Triển vọng Phát triển châu Á 2022, ADB cũng hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2023 cho các nước đang phát triển ở châu Á xuống 5,2% từ mức 5,3%.

Xét cụ thể trên từng khu vực, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của khu vực Đông Á từ 4,7% xuống 3,8%, trong khi khu vực Nam Á được cho là tăng trưởng 6,5% năm 2022 và 7,1% vào năm 2023, thay vì 7% và 7,4% theo các dự báo trước đó.

Dự báo tăng trưởng trong năm 2022 của khu vực Đông Nam Á được điều chỉnh từ mức 4,9% lên 5% do nhu cầu phục hồi khi các hạn chế đi lại từng được áp đặt trước đó để phòng dịch COVID-19 được dỡ bỏ và việc mở lại biên giới ở một số nền kinh tế trong khu vực.

Triển vọng tăng trưởng tại khu vực Caucasus và Trung Á được nâng từ mức 3,6% lên 3,8% cho năm 2022; và từ 4,0% lên 4,1% cho năm 2023. Trong khi đó, mức dự báo cho khu vực Thái Bình Dương được điều chỉnh từ 3,9% lên 4,7%.

Dự báo lạm phát cho các nước đang phát triển tại châu Á được điều chỉnh từ 3,7% lên 4,2% vào năm 2022 và từ 3,1% lên 3,5% vào năm 2023, do giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Mặc dù vậy, ADB cho biết áp lực lạm phát trong khu vực này "ít hơn các nơi khác trên thế giới."

Theo ADB, việc nguồn cung gián đoạn và các lệnh trừng phạt leo thang áp đặt đối với Nga liên quan chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine đã khiến giá hàng hóa toàn cầu tăng đột biến, dẫn đến áp lực lạm phát gia tăng ở nhiều nền kinh tế khu vực.

 Thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc được ký ngày 23/7 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Reuters)

Nga – Ukraine đạt thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc

Ngày 22/7, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc đã ký một thỏa thuận về việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc cho các thị trường quốc tế qua Biển Đen nhằm giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Thỏa thuận này được ký tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, do Ankara và Liên hợp quốc làm trung gian.

Phát biểu sau khi thỏa thuận được ký kết, hai quan chức cấp cao Liên hợp quốc cho biết Liên hợp quốc hy vọng thỏa thuận sẽ được thực thi đầy đủ trong vài tuần tới và khôi phục lượng ngũ cốc xuất khẩu về mức trước khi xảy ra xung đột là 5 triệu tấn/tháng.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định thỏa thuận này sẽ giúp ích cho các quốc gia đang phát triển có nguy cơ vỡ nợ cũng như những người đang bên bờ vực của nạn đói.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán, bày tỏ hy vọng thỏa thuận trên cuối cùng sẽ mở ra triển vọng hòa bình tại Ukraine.

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận, cho rằng đây là một bước đi đúng hướng đồng thời kêu gọi các bên lập tức thực thi thỏa thuận.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau thì tuyên bố Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen được khôi phục.

Nga và Ukraine là những nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu thế giới. Cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc, khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt và có nguy cơ đẩy hàng triệu người ở những quốc gia nghèo nhất trên thế giới rơi vào cảnh đói ăn.

Hiện vẫn còn đến 25 triệu tấn lúa mì và ngũ cốc đang bị mắc kẹt tại các cảng ở Ukraine, trong khi quốc gia này dự kiến sẽ thu được 60 triệu tấn nữa vào mùa vụ năm nay. Nếu không xuất khẩu được số ngũ cốc tồn đọng, Ukraine có nguy cơ bị thiếu kho chứa để bảo quản.

Ông Ranil Wickremesinghe được bầu làm Tổng thống Sri Lanka. (Ảnh: Bloomberg) 

Sri Lanka có Tổng thống mới

Với đa số phiếu ủng hộ, Quốc hội Sri Lanka ngày 20/7 đã bầu ông Ranil Wickremesinghe làm Tổng thống thay thế ông Gotabaya Rajapaksa.

Theo kết quả cuộc bỏ phiếu, ông Wickremesinghe giành được 134 phiếu bầu từ Quốc hội gồm 225 thành viên, bỏ xa hai đối thủ là ông Dullas Alahapperuma và ông Anura Dissanayaka. Như vậy, tân Tổng thống Wickremesinghe sẽ đảm nhiệm chức vụ trong thời gian còn lại nhiệm kỳ của ông Rajapaksa (đến cuối năm 2024). 

Phát biểu sau khi được bầu làm Tổng thống Sri Lanka, ông Wickremesinghe đã lên tiếng kêu gọi người dân đoàn kết để đưa quốc gia Nam Á này vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ hiện nay. Ông Wickremesinghe cho rằng chính phủ sẽ phải xây dựng một chiến lược mới để đáp ứng nguyện vọng của người dân, đồng thời cam kết sẽ sớm đưa đất nước ổn định và đến năm 2024 nền kinh tế sẽ bắt đầu tăng trưởng.

Ông Wickremesinghe từng 6 lần đảm nhiệm chức Thủ tướng Sri Lanka.

Ông Wickremesinghe sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn với tư cách Tổng thống. Nền kinh tế của Sri Lanka đã sụp đổ trong những tháng gần đây, dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Việc cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối đã buộc các quan chức Sri Lanka phải tham gia vào các cuộc đàm phán cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)./

Theo dangcongsan.vn