Kết quả tiếp công dân hàng tháng

Thế giới đón công dân thứ 8 tỷ
Ngày đăng 16/11/2022 | 16:16  | View count: 9175

Thế giới đón công dân thứ 8 tỷ - Ảnh 1.

Bé gái sinh thường tại Bệnh viện Tưởng niệm bác sĩ Jose Fabella ở Manila, Philippines được ghi nhận là công dân thứ 8 tỷ của thế giới - Ảnh: Manila Bulletin

"Chúng ta vừa chứng kiến em bé thứ 8 tỷ trên thế giới ở Philippines. Bé đã chào đời vào 1h29' sáng nay", bác sĩ Romeo Bituin, Giám đốc chuyên môn y tế của bệnh viện, cho biết.

Công dân thứ 8 tỷ của thế giới được đặt tên là Vinice Mabansag.

Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, 12 năm trước (năm 2010), dân số thế giới mới chỉ chạm mốc 7 tỷ người, chúng ta kỳ vọng đến năm 2037 con số này mới lên 8 tỷ. Thực tế, đến năm 2022, thế giới đã đạt 8 tỷ và đến năm 2037, con số này dự kiến nâng lên mốc 9 tỷ, châu Á và châu Phi sẽ thúc đẩy sự gia tăng này.

Theo UNFPA, sự tăng trưởng này là do tuổi thọ của con người tăng nhờ những tiến bộ về sức khỏe cộng đồng, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và thuốc men. Đây cũng là kết quả của mức sinh cao, bền vững ở nhiều quốc gia.

Về tốc độ tăng dân số, nhóm nghiên cứu thuộc Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho biết, sau khi đạt đỉnh vào đầu những năm 1960, tốc độ tăng dân số thế giới đã giảm mạnh. 

Cụ thể, tốc độ tăng dân số hằng năm đã giảm từ mức 2,1% trong giai đoạn 1962-1965 xuống còn dưới 1% vào năm 2020 và con số này có thể giảm xuống còn 0,5% vào năm 2050 do tỉ lệ sinh giảm.

Về tỉ suất sinh, năm 2021, tỉ suất sinh ở mức 2,3 con/phụ nữ, giảm từ mức 5 con/phụ nữ vào năm 1950. Con số này sẽ giảm xuống 2,1 con/phụ nữ vào năm 2050.

Theo Liên Hợp Quốc, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng dân số toàn cầu là việc tuổi thọ tiếp tục tăng lên 72,8 năm vào năm 2019, cao hơn 9 năm so với năm 1990. Đến năm 2050, tuổi thọ trung bình vào khoảng 77,2 năm.

Kết quả này có nghĩa là tỉ lệ những người hơn 65 tuổi sẽ tăng từ 10% vào năm 2022 lên 16% vào năm 2050. Xu hướng dân số già hóa sẽ tác động đến thị trường lao động và hệ thống hưu trí quốc gia khi dịch vụ chăm sóc người cao tuổi sẽ tăng cao.

Trung Quốc và Ấn Độ, 2 nước đông dân nhất thế giới hiện tại, sẽ hoán đổi vị trí vào năm 2030. Theo đó, dân số Trung Quốc từ 1,4 tỷ người giảm xuống còn 1,3 tỷ người vào năm 2050.

Đến cuối thế kỷ này, dân số Trung Quốc có thể giảm xuống còn 800 triệu người. Trong khi đó, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc vào năm 2023 và đạt con số  1,7 tỷ người vào năm 2050. Kế tiếp 2 nước trên, Mỹ tiếp tục là quốc gia đông dân thứ 3 trên thế giới vào năm 2050 và sẽ ngang bằng với Nigeria với 375 triệu người.

Theo chinhphu.vn