Kết quả tiếp công dân hàng tháng

Thế giới tuần qua: Dịch bệnh và xung đột
Ngày đăng 13/06/2022 | 09:55  | View count: 3645

Tuần qua (6-12/6), bên cạnh những diễn biến liên tục cập nhật về tình hình đại dịch COVID-19 cũng như xung đột tại Ukraine, thế giới tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm của căn bệnh đậu mùa khỉ hiện đã xuất hiện tại 29 quốc gia ngoài châu Phi, khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo.

WHO cảnh báo "nguy cơ thực sự" về bệnh đậu mùa khỉ

 Bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra 29 quốc gia. (Ảnh: CDCP/AFP/File/Brian W.J. Mahy) 
Ngày 8/6, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo về "nguy cơ thật sự" bệnh đậu mùa khỉ sẽ tồn tại ở các nước ngoài khu vực thường lây lan ở châu Phi.

Cảnh báo được đưa ra sau khi tổ chức này nhận được báo cáo về hơn 1.100 ca đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi, chủ yếu tại châu Âu. Ông Tedros nói thêm rằng thời điểm này còn có thể ngăn chặn bệnh lây lan lâu dài tại các nước trên.

Hiện có 29 quốc gia ghi nhận các ca đậu mùa khỉ trong đợt dịch hiện tại bắt đầu từ tháng 5 và chưa có ca tử vong nào. Trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Tedros còn cho biết có hơn 1.400 ca nghi nhiễm đậu mùa khỉ và 66 ca tử vong trong năm nay tại châu Phi.

WHO hiện đang phối hợp với các tổ chức như UN AIDS và các nhóm cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và ngăn chặn lây nhiễm. Theo WHO, việc tiêm chủng sau phơi nhiễm, bao gồm việc tiêm cho các nhân viên y tế và người tiếp xúc gần, nên được tiến hành trong vòng 4 ngày sau khi phơi nhiễm và cần được cân nhắc tại một số nước.

Các vaccine hiện được sử dụng là vaccine cho bệnh đậu mùa, một căn bệnh có liên quan và do virus nguy hiểm hơn gây ra mà thế giới đã loại trừ vào năm 1980. 

Một quan chức cấp cao của WHO cho biết, việc tiếp xúc cơ thể là con đường căn bản dẫn đến lây lan bệnh đậu mùa khỉ, trong khi chưa rõ về nguy cơ lây qua giọt bắn từ dịch cơ thể.

Tổng thống Ukraine ký sắc lệnh trừng phạt nhà lãnh đạo Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự cuộc họp báo ở Kiev hôm 31/5. (Ảnh: Reuters) 
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ngày 9/6, đã ký sắc lệnh kích hoạt quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia nước này về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các biện pháp trừng phạt, vốn được áp đặt vô thời hạn, bao gồm phong tỏa tài sản, cấm các hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như ngăn chặn việc rút vốn khỏi Ukraine. Sắc lệnh có hiệu lực kể từ ngày công bố.

Lệnh trừng phạt cũng tác động tới Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Thủ tướng Mikhail Mishustin, Ngoại trưởng SergeI Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, các phó Thủ tướng và Bộ trưởng, cũng như những quan chức khác của Nga.

Các nhà phân tích cho rằng, việc Tổng thống Zelensky ký sắc lệnh áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Tổng thống Putin và giới lãnh đạo Nga chứng tỏ Ukraine chưa sẵn sàng nhượng bộ. Điều này cũng sẽ làm phức tạp khả năng nối lại đàm phán với Nga.

Thủ tướng Anh vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại phiên họp Quốc hội ở London
ngày 25/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Sau nhiều tháng căng thẳng liên quan tới bê bối vi phạm quy định phòng dịch COVID-19, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 6/6 vừa qua đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện, vốn được coi là phép thử đối với uy tín của ông.

Kết quả cuộc bỏ phiếu đã được Chủ tịch Ủy ban 1922 của Đảng Bảo thủ công bố cho thấy, Thủ tướng Boris Johnson đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với 211 phiếu ủng hộ và 148 phiếu chống; tương đương 59% tỷ lệ ủng hộ. Cuộc bỏ phiếu được tổ chức sau khi có hơn 54 nghị sĩ Đảng Bảo thủ cầm quyền yêu cầu tổ chức bỏ phiếu lấy tín nhiệm đối với Thủ tướng Johnson.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh đây là kết quả mang tính thuyết phục, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ và Đảng Bảo thủ cầm quyền sẽ tiếp tục tập trung vào các vấn đề mà người dân thực sự quan tâm.

Ông Johnson được bổ nhiệm làm Thủ tướng Anh năm 2019, thời gian qua chịu áp lực ngày càng tăng liên quan đến những báo cáo cho biết ông đã tổ chức tiệc tùng tại phòng làm việc và nhà riêng vào thời điểm nước Anh bị áp đặt các lệnh phong tỏa chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Hàng chục nghị sĩ trong Đảng Bảo thủ đã bày tỏ lo ngại rằng nhà lãnh đạo Anh đã để mất quyền lực điều hành đất nước, vốn đang đối mặt với nhiều vấn đề như nguy cơ suy thoái, giá nhiên liệu và thực phẩm gia tăng.

Hạ viện Mỹ thông qua gói dự luật kiểm soát súng đạn

Ảnh minh họa: (Nguồn: New York Times) 
Với 223 phiếu thuận và 204 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 8/6 đã thông qua một gói dự luật kiểm soát súng đạn với tên gọi "Đạo luật bảo vệ con em của chúng ta". Động thái này diễn ra vào thời điểm các nhà lập pháp đang đối mặt với áp lực hành động sau các vụ xả súng hàng loạt diễn ra gần đây tại Mỹ.

Dù đã được Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ áp đảo, song gói dự luật được cho là khó qua "ải" Thượng viện khi ngày càng có nhiều nghị sỹ Mỹ phản đối siết chặt kiểm soát súng đạn. Hiện một nhóm nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ đang tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm tìm ra lập trường chung về chính sách kiểm soát súng đạn, song triển vọng vẫn còn mờ nhạt.

Gói dự luật được thông qua tại Hạ viện bao gồm một loạt các dự luật riêng lẻ nhằm ngăn chặn bạo lực súng đạn. Biện pháp này sẽ nâng độ tuổi hợp pháp để mua một số loại súng trường bán tự động từ 18 lên 21 tuổi; thiết lập các tội danh liên bang mới đối với các hành vi buôn bán súng.... Biện pháp này cũng sẽ thực hiện các bước để siết chặt các quy định liên bang hiện hành liên quan tới bump stock - thiết bị độ súng giúp chuyển đổi những khẩu súng bán tự động thành súng bắn nhanh như súng tự động và "súng ma" (ghost guns) - là loại vũ khí tự chế, không đăng ký và có thể sở hữu với giá rẻ.

Động thái trên được Hạ viện Mỹ thực hiện trong bối cảnh nước Mỹ bị rúng động bởi nhiều vụ xả súng đẫm máu, đặt ra nhu cầu cấp bách về siết chặt các quy định mua bán và sở hữu súng đạn. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 2/6 cũng đã lên tiếng kêu gọi Quốc hội nước này cấm vũ khí tấn công, mở rộng kiểm tra lý lịch người sở hữu súng và thực hiện các biện pháp kiểm soát súng đạn khác nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ xả súng hàng loạt vốn đang là một vấn nạn nhức nhối của nước Mỹ.

IAEA thông qua nghị quyết chỉ trích Iran

Iran gọi nghị quyết mới nhất của IAEA  là vô căn cứ và nhằm mục đích gây áp lực đối với Tehran.
(Nguồn: Press Tv)
Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) với 35 thành viên ngày 8/6 đã thông qua một nghị quyết chính thức chỉ trích Iran thiếu hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc (LHQ).  

Sau động thái nêu trên của IAEA, Mỹ, Anh, Pháp và Đức cùng ngày đã hối thúc Iran "thực hiện các nghĩa vụ pháp lý và hợp tác với IAEA". Ngoại trưởng của 4 nước trên đã đưa ra tuyên bố chung bày tỏ hoan nghênh nghị quyết của IAEA nhằm phản ứng trước sự hợp tác không đầy đủ của Iran với IAEA về nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động hạt nhân của nước này.

Trước đó, Iran cho biết họ đã tháo dỡ một số camera giám sát của IAEA tại các cơ sở hạt nhân của nước này. Động thái diễn ra chỉ vài giờ trước khi cơ quan này thông qua nghị quyết chỉ trích Tehran thiếu hợp tác. Bước đi mới của Iran được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Iran với cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ.

Cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami cho hay, Iran không có hoạt động hạt nhân bí mật hoặc không được ghi chép nào. Hãng thông tấn IRNA dẫn lời ông Eslami bên lề cuộc họp nội các thường kỳ của Iran cho hay, nước này không có bất cứ hoạt động hay địa điểm hạt nhân nào chưa được công bố. Ông Eslami cho rằng báo cáo của IAEA là vô căn cứ và nhằm mục đích gây áp lực đối với Tehran./.  

Theo dangcongsan.vn