BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Những năm trở lại đây, nhiều loại cây ăn quả như sầu riêng, mít, cam, bơ, chuối, quýt, thanh long, xoài… đã trở thành cây trồng chủ lực đưa lại hiệu quả kinh tế cao và tạo thế mạnh mới của nông nghiệp Tây Nguyên.
Mô hình chuối già Nam Mỹ năm thứ 3 của bà Chang Thị Huyền Linh, dân tộc Nùng ở thôn 1B, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) được trồng theo hướng công nghệ cao. Ảnh: Hồ Mai |
Tiềm năng lớn
Với lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, nguồn nước tưới ổn định, các tỉnh Tây Nguyên đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển những vùng chuyên canh cây ăn quả lớn. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có trên 35.000 ha cây ăn quả lâu năm các loại được thị trường ưa chuộng. Trong đó, Đắk Lắk là một trong những địa phương có diện tích các loại cây ăn quả nhiều nhất với trên 12.000 ha. Đáng lưu ý, các loại cây ăn quả chủ lực của Đắk Lắk, mang lại hiệu quả kinh tế cao vẫn chủ yếu là sầu riêng với gần 3.000 ha, sản lượng mỗi năm đạt từ 44.000 tấn quả; bơ có gần 3.000 ha, sản lượng mỗi năm đạt từ 35.000 tấn trở lên.
Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu bơ Tây Nguyên có trụ sở huyện Krông Pắk, sau 4 năm thành lập và đi vào hoạt động đã liên kết với bà con nông dân 5 tỉnh Tây Nguyên trồng hơn 1.000 ha bơ, 80% diện tích này đã cho thu hoạch. Năm 2018, công ty xuất hơn 10.000 tấn bơ các loại cung cấp cho thị trường trong nước và một phần xuất khẩu sang Hồng Kông, Thụy Điển, Trung Quốc, Ả Rập.
Theo ông Trần Minh Hải, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu bơ Tây Nguyên nhận định, riêng nhu cầu nội địa hiện nay một năm đã là 80.000 tấn và thị trường bơ các năm tới cực kỳ triển vọng về đầu ra bao gồm thị trường châu Âu, Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á lân cận Việt Nam tiêu thụ bơ rất tốt.
Đối với Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có gần 5.600 ha cây ăn quả, tăng hơn 2.000 ha so với năm 2010. Cây ăn quả phát triển nhanh ở nhiều địa phương trong tỉnh nhưng tập trung nhiều ở các huyện Đắk Mil, Đắk Glong, Đắk R'lấp, Krông Nô, thị xã Gia Nghĩa. Cây ăn quả của Đắk Nông có tiềm năng và giá trị cao như sầu riêng, bơ, chanh dây, quýt đường, măng cụt, chuối, xoài…
Tại Gia Lai, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng đầu tư trồng gần 900 ha cây ăn quả tại các huyện phía Bắc của Gia Lai. Riêng năm 2018, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã xuất khẩu gần 800 tấn trái cây sang các thị trường Trung Quốc, Thái Lan. Trong tháng 7/2018, cụm nhà máy chế biến các sản phẩm từ rau, củ quả với công suất trên 20.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) với vốn đầu tư hơn 297 tỉ đồng đặt tại huyện Mang Yang (Gia Lai) đã đi vào hoạt động. Mỗi năm, nhà máy sẽ thu mua và chế biến hàng trăm ngàn tấn rau quả các loại như chanh dây, chuối, bơ, xoài, sầu riêng, mãng cầu, khoai lang, rau chân vịt, đậu tương rau, ngô ngọt, bí Nhật Bản và nhiều loại rau, quả khác của Gia Lai, cũng như các tỉnh Tây Nguyên.
Năm 2018, với 8 ha quýt đường năm thứ 4, anh Lê Tam Cường ở bon R'Bút, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) thu hơn 50 tấn, bán giá bình quân 13.000 đồng/kg. Ảnh: Hồ Mai |
Định hình các vùng chuyên canh cây ăn quả
Tại Đắk Nông định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã đưa ra quy hoạch phát triển diện tích cây ăn quả lên khoảng 18.500 ha, cho sản lượng hơn 288 ngàn tấn. Để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, tỉnh Đắk Nông xây dựng quy hoạch, hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung; trong xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất: Vùng trồng sầu riêng (ở huyện Đắk Mil, thị xã Gia Nghĩa); vùng trồng chanh dây, cây có múi (ở thị xã Gia Nghĩa, Đắk Glong, Đắk R'lấp)…Bên cạnh đó, Đắk Nông xúc tiến xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm cây ăn quả đặc sản như sầu riêng Đắk Mil, xoài Đắk Gằn (Đắk Mil), quýt đường Gia Nghĩa, chanh dây Đắk Glong; chú trọng quảng bá tìm kiếm thị trường tiêu thụ, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm cây ăn quả...
Tại tỉnh Gia Lai, địa phương này hiện có nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng bước đầu cho hiệu quả như chuyển diện tích trồng mì sang trồng thanh long ở huyện Kon Chro, chuyển cà phê, tràm sang trồng cam ở huyện Kbang… Việc trồng xen canh các loại cây như bơ, mít, sầu riêng hay cải tạo vườn tạp bằng cây ăn trái cũng đang phát triển mạnh, giúp nông dân có nguồn thu đáng kể trên cùng một diện tích cây trồng. Theo khảo sát của một số ngành chuyên môn, có nhiều gia đình có thu nhập tăng thêm hàng trăm triệu đồng trên cùng một diện tích đất sản xuất.
Còn tại Đắk Lắk, việc phát triển bưởi, quýt, sầu riềng, bơ… tại huyện Ea Kar, Ea Sup, Buôn Đôn đang có hiệu quả kinh tế rất cao, không thua gì các vùng chuyên canh cây ăn trái của cả nước.
Theo TS. Trương Hồng, Viện trưởng Viện khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì đất đai ở Tây Nguyên rất phù hợp với một số loại cây ăn quả và thực tế đã chứng minh rằng nhiều mô hình trồng loại cây này đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Như bơ người nông dân có thể thu được 1 tỷ đồng/ha/năm, sầu riêng từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Điều này không chỉ chứng minh về mặt khoa học mà về mặt thực tiễn. Trong tương lai, Tây Nguyên có thể phát triển cây ăn quả thành thế mạnh chủ lực của Việt Nam. |
Theo đà tăng của giá trị kinh tế thu được, diện tích các loại cây ăn quả ở Tây Nguyên cũng tăng rất nhanh chóng, với hàng chục ngàn ha sẽ bước vào thời kỳ kinh doanh từ 2019. Điều đó có nghĩa là, sản lượng trái cây ở Tây Nguyên sẽ tăng rất nhanh trong vài năm tới. Nếu chính quyền và các doanh nghiệp giải quyết tốt công tác thị trường, sẵn sàng về công nghệ bảo quản sau thu hoạch thì cây ăn quả sẽ thực sự trở thành một trụ cột nông nghiệp mới của Tây Nguyên cùng với cà phê, hồ tiêu, cao su…tạo nên sự bền vững cho nền kinh tế.
Theo báo Đắk Nông điện tử