BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021 – Diễn đàn nông sản 970 Phiên thứ 4
Ngày đăng 30/09/2021 | 13:58  | View count: 50905

Ngày 25/9/2021, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ Công tác 970) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn trực tuyến kết sản xuất, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021 – Diễn đàn nông sản 970 Phiên thứ 4. Diễn đàn trực tuyến kết nối từ Hà Nội với Thành phố Hồ Chí Minh và 05 tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng). Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì tại đầu cầu Hà Nội.

Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Đắk Nông.

Tại điểm cầu Đắk Nông, đ/c Lê Trọng Yên-TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị, cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan. Diễn đàn lần này là cầu nối, cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã... quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương trực tuyến với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị kinh doanh trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức quản lý, sản xuất, phân phối tiêu thụ nông sản của khu vực Tây Nguyên trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19. Đồng thời tuyên truyền quảng bá đến người tiêu dùng nhận diện thương hiệu nông sản và sản phẩm OCOP của các tỉnh Tây Nguyên, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". 

Tại Diễn đàn, các tỉnh Tây Nguyên đã giới thiệu tổng quan về tình hình sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản, trong đó chú trọng những sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm đang vào vụ thu hoạch, như: Bơ, sầu riêng, cà phê….và sản phẩm OCOP. 

Đ/c Lê Trọng Yên-TUV, PCT UBND tỉnh phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, Đ/c Lê Trọng Yên - PCT UBND tỉnh Đắk Nông cho biết tỉnh có tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ 37,58% trong cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh đạt 780 - 800 triệu USD/năm chiếm 80% giá trị xuất khẩu của tỉnh; Toàn tỉnh có 165 Hợp tác xã , 286 trang trại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó có 137 trang trại chăn nuôi tập trung, chủ yếu chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 350.000 con, đàn gia cầm trên 2,5 triệu gia cầm, đàn bò 30.500 con, đàn dê 53.000 con và hình thành 71 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; Diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh trên 380.000 ha với cây trồng chủ lực là cà phê, tiêu, điều, sầu riêng, bơ và Macca; về sản phẩm OCOP, tỉnh có 4 sản phẩm xếp hạng đạt 4 sao và 37 sản phẩm đạt 3 sao theo Bộ tiêu chí quốc gia… Tại Hội nghị, Đ/c Lê Trọng Yên đề xuất, kiến nghị với Bộ, ngành Trung ương 02 nội dung: Về dài hạn có Đề án, Chương trình, Chính sách phát triển liên kết vùng, thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, về chuyển đổi số trong nông nghiệp, chợ online… giới thiệu, kết nối tỉnh Đắk Nông với các nhà đầu tư hỗ trợ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực. Về trước mắt, trong tháng 9, 10/2021 tỉnh còn một số sản phẩm rau, quả tươi đến kỳ thu hoạch rất cần diễn đàn kết nối chia sẻ, như: Quả tươi (Bơ khoảng 7.000-9.000 tấn, sầu riêng khoảng 12.000-15.000 tấn), rau xanh, các sản phẩm OCOP,…

Cũng tại Diễn đàn, các điểm cầu tỉnh: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 05 tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện ký kết các biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao các tỉnh, đơn vị đã tham gia, kết nối, sản xuất, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại Diễn đàn Phiên thứ 4 năm 2021. Thứ trưởng đề nghị, thời gian tới các tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối nông sản; Sở NN-PTNT các tỉnh nắm đầu mối nông sản, và phải "nắm rất rõ" để kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp. Bộ NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để cùng các tỉnh Tây Nguyên phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng những vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến, phục vụ xuất khẩu nông sản nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông sản.

ĐQ