BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Trồng rau thủy canh hộ gia đình – Trồng rau không cần đất
Ngày đăng 22/06/2018 | 11:08  | View count: 7281

Cùng với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh ở nước ta, chiến lược phát triển đô thị bền vững gắn liền với nông nghiệp đô thị là xu hướng tất yếu, nhiều thành phố đã đưa nông nghiệp đô thị vào mục tiêu phát triển như một yếu tố quan trọng trong hệ thống cung cấp thực phẩm cho các vùng đô thị để đáp ứng quy mô của các thành phố ngày một tăng.

Tuy nhiên, ở các thành phố lớn, người tiêu dùng chủ yếu vẫn tiêu thụ rau không rõ nguồn gốc được vận chuyển từ các vùng sản xuất ngoài thành phố. Và thực tế là khó có thể kiểm soát được người trồng rau thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm như thế nào. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ được tầm quan trọng của rau xanh trong bữa ăn hằng ngày. Nhưng các vùng sản xuất rau lại chưa xây dựng được lòng tin cho người tiêu dùng, mặc dù họ sẵn sàng trả giá cao gấp nhiều lần cho một sản phẩm rau an toàn. Trước thực trạng này, nhiều hộ gia đình đã tự ứng phó bằng cách trồng rau tại nhà, tận dụng không gian của khoảng không ban công, sân thượng, sử dụng thùng xốp, bao tải, chai nhựa… để trồng rau tự cung cấp cho gia đình. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn gặp một số khó khăn như: Phải thay nguồn đất thường xuyên nếu không sẽ nhiễm khuẩn, sâu bệnh nhiều, tốn nhiều công chăm sóc, thời gian cây sinh trưởng và phát triển chậm, thiếu ánh nắng mặt trời, dẫn đến năng suất chưa cao, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng rau mỗi ngày. Để giải quyết những khó khăn này, phòng Kinh tế hạ tầng - UBND huyện Đắk R'lấp đã thử nghiệm mô hình trồng rau thủy canh (Hydroponics) tại hộ gia đình trên địa bàn thị trấn Kiến Đức.

Mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh có giá thể xơ dừa tại Đắk R'lấp

 

Mô hình này sử dụng phương pháp trồng cây trên giá thể nhân tạo, đây là kỹ thuật trồng cây không dùng đất, cây được trồng trực tiếp vào giá thể (trấu, cát, bọt núi lửa, xơ dừa,…) sẽ đem lại nhiều lợi ích như: rẻ tiền, có thể tận dụng có sẵn ở địa phương, phương tiện trồng cây đơn giản và ít tốn kém, chủ động khử được các loại vi sinh gây hại trong giá thể, không đòi hỏi kỹ thuật thao tác phức tạp.

Với mục tiêu tìm hiểu môi trường dinh dưỡng thích hợp cho cây rau bằng phương pháp thủy canh nhưng đơn giản hóa kỹ thuật nhằm hạ bớt giá thành sản phẩm, cải tiến để phổ biến các mô hình trồng rau thủy canh tại nhà trong đô thị, tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp tại nông thôn. Việc nghiên cứu được tiến hành trên 3 đối tượng được dùng phổ biến hiện nay là cây xà lách, cây cải xanh và cây rau muống.

Nội dung thực hiện gồm: Tính giá thành một số loại rau trên giá thể xơ dừa và sơ bộ xác định một số hiệu quả của mô hình sản xuất theo phương pháp mới. Áp dụng theo kỹ thuật trồng rau thủy canh (môi trường dinh dưỡng là thủy canh nhưng trên giá thể xơ dừa). Dung dịch dinh dưỡng: Với dung dịch pha sẵn theo công thức Knop có cải tiến.

Sau thời gian thực hiện, các mô hình này cho kết quả rất tốt: Không cần sử dụng đất canh tác và không có cỏ dại nên không cần làm đất, làm cỏ; không cần sử dụng thuốc trừ sâu bệnh và cỏ dại; ít phụ thuộc thời vụ, có thể sản xuất rau quanh năm và tăng vụ. Dung dịch dinh dưỡng phù hợp với các loại rau trồng, cho các giai đoạn sinh trưởng của các loại rau, người sản xuất có thể tự pha chế dung dịch để chủ động sản xuất. Giống rau sinh trưởng khỏe mạnh, nhanh và rút ngắn được thời gian sinh trưởng từ 25% đến 40%, đồng thời có thể kéo dài từ 10-15% thời gian chín thương phẩm của sản phẩm. Tổng năng suất và năng suất thương phẩm từ 10-40% tăng so với sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Có thể khẳng định rằng, mô hình sản xuất rau sạch trên giá thể xơ dừa là mô hình sản xuất có thể cho sản phẩm xanh ngon, đẹp, năng suất cao, an toàn với sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng thời đây cũng là mô hình giải trí tại gia của nhiều người sau những giờ lao động mệt nhọc.

Hiện nay, sau khi mô hình hoàn tất , đã có rất nhiều hộ gia đình đến liên hệ xin được hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật để áp dụng trồng rau theo quy mô hộ gia đình. Đây là một tín hiệu đáng mừng thể hiện khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn của mô hình và sự thành công của nhóm thực hiện.

Nguyễn Mai