BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Vụ đông xuân 2017-2018, ngành Nông nghiệp huyện Krông Nô, các địa phương đã và đang tích cực đôn đốc người dân tập trung đổ ải, xuống giống, phát triển sản xuất theo hướng an toàn, giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra.
Nỗ lực bám lịch thời vụ
Vào thời điểm này, trên khắp các cánh đồng ở các xã, bà con nông dân đang tập trung mọi phương tiện máy móc, nhân công ra đồng để xuống giống cho kịp thời vụ. Nhiều diện tích lúa gieo sạ sớm đã bén rễ lên xanh. Tuy nhiên, có nhiều cánh đồng trũng thấp, mực nước trong ruộng chưa rút hết khiến cho việc đổ ải của bà con bị chậm trễ.
Người dân xã Nâm N'đir khẩn trương cày đổ ải để xuống giống kịp thời vụ |
Tại xã Buôn Choáh, theo hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp- PTNT thì lịch thời vụ đối với trà chính vụ dự kiến là từ ngày 10/12 - 25/12/2017. Thế nhưng, đến trung tuần tháng 1 mà nhiều thửa ruộng của bà con vẫn chưa thể cày ải được.
Gia đình ông Nguyễn Đức Bình ở thôn Bình Giang, vụ này gieo sạ 4 sào lúa. Tuy nhiên, đến nay, gia đình ông vẫn chưa thể đổ ải được vì nước trên ruộng vẫn còn quá cao. Ông Bình cho biết: "Năm nay gia đình tôi xuống giống bị chậm hơn mọi năm. Nguyên nhân là do năm 2017 là năm nhuận, phần nào ảnh hưởng đến chu trình sản xuất. Hơn nữa, mùa mưa kết thúc muộn, đến giữa tháng 11 âm lịch mà nước trên ruộng vẫn còn ngập khá cao không thể đổ ải. Chính vì thế, để kịp lịch thời vụ, tôi thường xuyên thăm đồng để theo dõi mực nước, rút đến đâu cày xới kỹ càng rồi sạ ngay".
Theo ông Nguyễn Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh, vụ này, xã xây dựng kế hoạch xuống giống 537 ha lúa và 330 ha ngô. Đến nay, trên các cánh đồng sản xuất lúa trọng điểm bà con đã cơ bản xuống giống kịp tiến độ. Chỉ riêng cánh đồng Trạm cấp nước số 3, với hơn 100 ha hiện nước đang rút, cán bộ nông nghiệp của xã, các thôn luôn túc trực theo dõi, đôn đốc người dân nước rút đến đâu là làm đất, gieo sạ đến đó. Như vậy, ở những chân ruộng trũng thấp bà con cũng chỉ xuống giống chậm hơn lịch thời vụ từ 10 – 15 ngày so với lịch thời vụ đối với trà muộn của toàn huyện.
Ngoài xã Buôn Choáh, các xã còn lại trong huyện đã xuống giống đạt 80% diện tích gieo trồng. Bên cạnh việc bảo đảm tiến độ, hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, các địa phương còn chú trọng việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không gieo cấy lúa tại những diện tích khó khăn về nước tưới và những chân ruộng có khả năng bị khô hạn về cuối vụ, chuyển đổi sang cây trồng cần ít nước hơn như ngô, đậu các loại, bí đỏ, khoai lang...
Theo Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Krông Nô, vụ đông xuân năm nay, toàn huyện dự kiến gieo trồng 4.319 ha cây trồng các loại, tổng sản lượng lương thực ước đạt 28.834 tấn. Cụ thể, diện tích các loại cây trồng chính gồm lúa: 1.884 ha, ngô: 1.819 ha, khoai lang: 336 ha, còn lại là đậu đỗ và rau các loại. Ðến nay, nông dân đang tích cực xuống giống, nhiều cánh đồng có diện tích sản xuất lớn nằm trên địa bàn các xã như: Ðức Xuyên, Nâm N'đir, Quảng Phú đã đạt 80% diện tích gieo trồng. |
Sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả
Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Krông Nô thì Phòng đã thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến thời tiết, nghiên cứu chủng loại giống cây trồng để bảo đảm sản xuất hiệu quả. Đồng thời tăng cường sự phối hợp với các xã, thị trấn và đơn vị quản lý vận hành công trình thủy lợi để giúp nông dân sản xuất an toàn trong mùa khô, nhất là những thời điểm quan trọng như xuống giống, trổ bông, chắc hạt. Đối với cây lúa, căn cứ cơ cấu giống những năm qua và kết quả khảo nghiệm thành công các giống mới, nông dân đã chủ động sử dụng các giống lúa phù hợp với các loại chân ruộng khác nhau. Trong đó, nhà nông sử dụng đại trà các giống lúa năng suất cao, kháng bệnh như: HT 01, RVT, VS1, VT 404, TL6. Bà con cũng đã chủ động áp dụng biện pháp gieo sạ thưa, xử lý giống đúng cách để tránh bọ trĩ, rầy nâu đầu vụ và sử dụng phân bón hợp lý để bảo đảm hiệu quả kinh tế.
Người dân tại khu vực Trạm cấp nước số 3, xã Buôn Choáh nhanh chóng gieo sạ những thửa ruộng nước vừa rút |
Ngành chức năng tiếp tục hướng dẫn người dân áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất lúa "3 giảm 3 tăng" (giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế), "1 phải 5 giảm" (1 phải là phải sử dụng giống xác nhận. 5 giảm gồm giảm lượng hạt giống, giảm lượng phân đạm bón thừa, giảm thuốc hóa học, giảm lượng nước tưới và giảm tổn thất sau thu hoạch) nhằm kiểm soát chặt tình hình phát sinh dịch hại, gia tăng chất lượng sản phẩm. Đối với cây ngô, vụ này huyện ưu tiên sử dụng những giống như NK 66, NK 67, CP 501, C919... Đây là các giống có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao. Cùng với đó, địa phương cũng tiếp tục triển khai sản xuất ngô giống F1 tại xã Đức Xuyên, Đắk Nang, Buôn Choáh, Quảng Phú, Nâm N'đir và phát triển mở rộng diện tích cho các vụ sau.
Theo ĐắkNông Online