BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Sáng 15/11/2017, các đại biểu Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV tiếp tục thảo luận tại ở hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã tham gia phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông |
Theo đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị rà soát các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong dự thảo Luật để thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 217 của Bộ luật Hình sự thì hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền bị xử lý hình sự theo Khoản 2 (khung tăng nặng). Theo đó, đối với cá nhân có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; đối với pháp nhân thì bị phạt tiền từ 3 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc đình chỉ có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm. Do đó, việc Dự thảo luật quy định "Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm" tại Khoản 1 Điều 114 là không phù hợp, cần cân nhắc để quy định sao cho thống nhất với quy định của BLHS.
Ngoài ra, BLHS cũng quy định nhiều hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh như thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường; thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thoả thuận.... (Khoản 1 Điều 217 BLHS). Tuy nhiên, Điều 114 của dự thảo Luật mới chỉ quy định chung về hành vi vi phạm và mức xử phạt, do đó cần được nghiên cứu bổ sung đầy đủ hơn.
Ngoài ra, việc xử phạt bằng tiền đối với hành vi vi phạm là hình thức xử phạt chính, Luật cũng cần quy định các hình thức xử lý khác đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm như: bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn…
Về áp dụng pháp luật, tại Điều 4 của dự thảo Luật quy định "Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ cạnh tranh trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với quy định của Luật này". Đại biểu Giang đề nghị cần cân nhắc việc có quy định điều nay hay không. Lý do là đối với những Luật được ban hành trước ngày luật này có hiệu lực mà có quy định khác với quy định của Luật này, nếu thấy không phù hợp thì phải sửa đổi và quy định ngay tại Luật này, theo quy định tại Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Còn đối với các luật ban hành sau ngày Luật này có hiệu lực thì phải thống nhất với quy định của Luật này – việc này nhằm đảm bảo nguyên tắc thống nhất, một trong những nguyên tắc rất quan trọng của hệ thống pháp luật. Còn trong trường hợp Quốc hội thấy cần sửa đổi quy định của Luật Cạnh tranh thì vẫn có quyền sửa đổi khi ban hành luật cụ thể sau khi ban hành Luật này.
Về điều khoản chuyển tiếp (điều 120 của dự thảo Luật) đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị rà soát để quy định chính xác hơn. Ví dụ khoản 1 Điều 120 quy định "Hành vi vi phạm quy định của Luật này phải được các bên chấm dứt thực hiện trước khi Luật này có hiệu lực" là không có ý nghĩa. Bởi vì chính bản thân Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đã nêu là khi luật có hiệu lực thì được áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức cá nhân, chứ không có nghĩa là khi luật này có hiệu lực thì các hành vi vi phạm đó phải chấm dứt.
Việc quy định "Hành vi vi phạm đã bị phát hiện và đang bị điều tra, xử lý theo quy định thì tiếp tục bị điều tra, xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 cho đến khi Luật này có hiệu lực" tại khoản 2 điều 120 của dự thảo Luật cũng không có ý nghĩa. Bởi vì, cái quan trọng là khi Luật Cạnh tranh mới được Quốc hội thông qua thì có áp dụng quy định của Luật cạnh tranh mới để xử lý đối với các hành vi vi phạm trước đó đang bị điều tra, xử lý hay không.
Nam Nhật