BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Sáng 14/11, các đại biểu Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Đại biểu K’ Choi - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã tham gia phát biểu.
Đại biểu K'Choi - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tại phiên thảo luận ở tổ về Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) |
Theo đó, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu K' Choi đề nghị nên cân nhắc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để bảo đảm không chồng lấn với quy định của các Luật, pháp lệnh hiện hành liên quan như: Luật An ninh quốc gia, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Luật Công an nhân dân, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp, Pháp lệnh Động viên quốc phòng...
Về giải thích từ ngữ, đại biểu K'Choi cho rằng cần định nghĩa rõ biện pháp thiết quân luật trong mối quan hệ với Quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng và bổ sung vào Điều 3 của dự thảo Luật này.
Bên cạnh đó, đại biểu K' Choi cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số nội dung trong dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.
Cụ thể, Khoản 13 Điều 3 của dự thảo Luật quy định về "tình trạng khẩn cấp về quốc phòng". Trong khi đó, việc quy định về thẩm quyền, trình tự ban bố, công bố, bãi bỏ "tình trạng khẩn cấp" đã được quy định tại Hiến pháp và một số luật khác. Mặt khác, tại Khoản 2 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định: "Văn bản quy phạm pháp luật… không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác". Do vậy, việc luật này tiếp tục quy định về "tình trạng khẩn cấp" là chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của dự thảo Luật quy định: các Bộ, ngành trung ương có ban chỉ huy quân sự; các địa phương có cơ quan thường trực công tác quốc phòng. Theo đại biểu K'Choi thì Ban soạn thảo nên bỏ 2 khoản này, bởi vì chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Ban Chỉ huy Quân sự Bộ, ngành trung ương đã được quy định tại Điều 23 của Luật Dân quân tự vệ.
Đối với việc Dự thảo luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ, cơ quan ngang Bộ trong quản lý nhà nước về từng lĩnh vực tại các điều 38 (về Bộ Quốc phòng), 39 (về Bộ Công an) và 40 (về Bộ Ngoại giao), đại biểu K'Choi cho rằng, việc quy định như vậy có ưu điểm là cụ thể, rõ trách nhiệm nhưng lại khó có thể nêu đầy đủ tên và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Do đó, để phù hợp với quy định của Hiến pháp, Điều 23 của Luật Tổ chức Chính phủ, bảo đảm sự chủ động của Chính phủ trong quản lý, điều hành, giải quyết các vấn đề phát sinh, thì trong dự thảo Luật chỉ quy định về nhiệm vụ của Chính phủ mà không nên quy định cụ thể về nhiệm vụ của từng Bộ.
Tại Khoản 2 Điều 22 của dự thảo Luật quy định "Khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ". Đại biểu K choi cho rằng quy định như trên là không phù hợp với quy định của Hiến pháp và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc vấn để này. Bởi vì, tại Khoản 5 Điều 88 của Hiến pháp quy định: "Chủ tịch nước căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương."
Về việc dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức thi hành lệnh thiết quân luật (Khoản 10 Điều 22) và việc tổ chức thi hành lệnh giới nghiêm (Khoản 6 Điều 23), đại biểu K' Choi đề nghị cần nghiên cứu để quy định cụ thể những nội dung chính ngay trong dự thảo Luật; còn Nghị định chỉ cụ thể hóa về thủ tục, trình tự, cách thức tổ chức, phối hợp để thực hiện, không giao Chính phủ quy định việc hạn chế quyền con người, quyền công dân trong văn bản dưới luật. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cụ thể hóa quy định của Hiến pháp trong dự thảo Luật về thẩm quyền của Hội đồng Quốc phòng và An ninh thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt do Quốc hội giao trong trường hợp có chiến tranh (khoản 2 Điều 89 Hiến pháp).
Nam Nhật