BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Các đài PTTH tập trung thực hiện 3 vấn đề lớn
Ngày đăng 28/03/2022 | 09:40  | View count: 2324

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 lĩnh vực phát thanh, truyền hình tổ chức ngày 25/3, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh các đài phát thanh truyền hình tập trung vào 3 vấn đề lớn, đó là phát triển nội dung, quản lý kinh tế và tập trung nguồn lực cho ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh các đài PTTH phải tập trung vào 3 vấn đề lớn nhất, đó là phát triển nội dung, quản lý kinh tế và tập trung nguồn lực để ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số

 

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết kinh tế và nội dung luôn song hành với nhau. Việc chuyển đổi từ giao nhiệm vụ chuyển sang đặt hàng sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các đài hoạt động khi được tự chủ kinh phí để thu hút nhân tài cũng như chủ động trong các hoạt động khác. Ngược lại, khi các đài phát thanh-truyền hình (PTTH) đã có cơ chế tài chính theo hướng đặt hàng thì sẽ giải quyết được vấn đề nội dung.

Do đó, Thứ trưởng lưu ý các đài PTTH xác định định hướng lớn là quản lý tốt nội dung, tiếp tục thực hiện tuyên truyền các hoạt động của Đảng, Chính phủ, Nhà nước đã định hướng, đặc biệt là phòng chống dịch trong điều kiện thích ứng an toàn; khôi phục và phát triển kinh tế. 

"Trong mô hình quản lý kinh tế của các đài phải dịch chuyển theo hướng đơn vị tự chủ công lập và tăng cường tự chủ", ông Phạm Anh Tuấn nói.

Quản lý kinh tế là vấn đề cấp bách của các cơ quan báo chí. Vì vậy, Bộ TT&TT đã tổ chức đào tạo quản lý kinh tế cho các cơ quan báo chí cả nước. Dự kiến, Bộ TT&TT sẽ tổ chức hội nghị về quản lý kinh tế cho các đài PTTH vào tháng 4 tới.

Ngoài ra,  Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ đào tạo nhân lực chuyển đổi số cho các đài. Dự kiến, Bộ sẽ đào tạo 10.000 nhân lực số cho toàn quốc, trong đó có 3.000 nhân lực số cho lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Cũng tại hội nghị, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình (Bộ TT&TT) cho biết trong thời gian qua, các đài PTTH đã bám sát chỉ đạo, định hướng  của Đảng, Nhà nước để thông tin kịp thời, toàn diện, trong đó tập trung và tuyên truyền kịp thời về dịch bệnh cũng như các nỗ lực trong việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Doanh thu năm 2021 của các đơn vị PTTH năm 2021 đạt khoảng 9.200 tỷ đồng.

Lãnh Cục Phát thanh truyền hình cũng chỉ ra những tồn tại của lĩnh vực này. Chẳng hạn một số chương trình liên kết chưa được quản lý chặt chẽ, để xảy ra một số sai sót trong nội dung thông tin (hình ảnh, lời thoại phản cảm, ngôn ngữ chưa chuẩn mực, không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam). Các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo trong sản xuất, phát sóng chương trình còn hạn chế; một số chương trình chưa hấp dẫn, nội dung và cách thể hiện đơn điệu, chậm cải tiến…

Khắc phục những bất cập nói trên, trong năm 2022, các đơn vị PTTH cả nước tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước cũng như sự phối hợp với Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí. Qua đó, tiếp tục đưa báo chí, truyền thông thực hiện sứ mệnh phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội…

Theo chinhphu.vn