BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Sáng ngày 28/12/2022, tại Hà Nội, Khối Viễn thông gồm các đơn vị Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Viễn thông, Trung tâm Internet Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã chủ trì hội nghị. Tham dự còn có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT…
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Những kết quả nổi bật trong năm 2022
Theo đó, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Lê Văn Tuấn cho biết, ngày 21/11/2022, Chủ tịch nước ký lệnh công bố số 09/2022/L-CTN Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Luật đã bổ sung các chế tài mới về quản lý, sử dụng tần số có giá trị thương mại cao; việc thực hiện cấp lại giấy phép cho các doanh nghiệp viễn thông di động khi giấy phép hết hạn; về cơ chế tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới; việc sản xuất thiết bị vô tuyến để xuất khẩu thông qua cơ chế cho phép sử dụng tần số khác với mục đích được quy định trong các quy hoạch tần số; việc sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; việc xã hội hóa công tác đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ chủ quyền về tần số và quỹ đạo vệ tinh.
Năm 2022, Việt Nam tái trúng cử vị trí Chủ tịch Nhóm Vô tuyến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (AWG) nhiệm kỳ 2022 – 2025. Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện đã tái trúng cử vị trí Chủ tịch của Nhóm Vô tuyến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (AWG) nhiệm kỳ 2022 - 2025. Qua đó, giúp Việt Nam nắm bắt, tuân thủ; đồng thời chủ động xây dựng "luật chơi" của quốc tế về quản lý tần số để có định hướng quy hoạch phổ tần phù hợp với nhu cầu sử dụng tần số của mình.
Trong năm qua, Cục Tần số Vô tuyến điện cũng đã nhanh chóng phát hiện; phối hợp xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng trạm BTS giả mạo để phát tán tin nhắn lừa đảo; Phối hợp với Thanh tra Bộ, Cục A05 – Bộ Công an xác định và xử lý 05 vụ việc sử dụng trạm BTS giả mạo để thực hiện các hành vi phát tán tin nhắn lừa đảo trên mạng viễn thông di động (Hà Nội: 02 vụ, TP. HCM: 03 vụ). Cục Tần số Vô tuyến điện cũng là cơ quan đầu tiên xác định, phối hợp thu giữ các thiết bị trên sau một thời gian dài các nhà mạng, ngân hàng, người dân phản ánh tình trạng nhận được tin nhắn lừa đảo; Chấn chỉnh các trạm thu phí ETC sử dụng tần số đúng quy định, giám sát đối với 145 trạm thu phí ETC trên toàn quốc, kết quả 64/145 (44%) trạm sử dụng sai băng tần quy định, trong đó 23/145 (16%) trạm ETC có thiết bị RFID sử dụng tần số chồng lấn băng tần đã cấp cho các doanh nghiệp thông tin di động.
Thông tin về kết quả nổi bật của Cục Viễn thông, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Hồng Thắng cho biết, năm 2022 ước doanh thu dịch vụ Viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2022; Tỷ lệ thuê bao điện thoại sử dụng smartphone tháng 12 ước đạt 75,8% tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái; Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang tháng 12/2022 ước đạt 74,5% xấp xỉ đạt mục tiêu kế hoạch đề ra năm 2022 là 75%; Số thuê bao băng rộng cố định /100 dân đến tháng 12/2022 ước đạt 21,5 thuê bao/100 dân tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, gần đạt mục tiêu kế hoạch năm 2022 là 22 thuê bao/100 dân; Số thuê bao băng rộng di động/100 dân đến tháng 12/2022 ước đạt 84 thuê bao/100 dân tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái, gần đạt mục tiêu kế hoạch năm 2022 là 85 TB/100 dân.
Năm 2022, các doanh nghiệp đã phủ sóng được cho 99,73% số thôn bản trên toàn quốc (tăng 1,9% so với đầu năm 2021); Hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 93 thôn bản, 100% trường học. Hoàn thành đối soát 100% TTTB với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money trong năm 2022 cũng có nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, tổng số khách hàng tháng 12/2022 đạt khoảng gần 3 triệu khách hàng; trong đó số lượng khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa là hơn 2 triệu khách hàng, chiếm 70%.
Báo cáo về những kết quả đạt được, Phó Giám đốc phụ trách VNNIC Trần Thị Thu Hiền cho biết, trong năm 2022, tỷ lệ sử dụng IPv6 tăng 120% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 2 ASEAN, thứ 10 toàn cầu; Số lượng Tên miền ".vn" đã tăng 104,56% so với cùng kỳ, đứng thứ 2 ASEAN, thứ 11 Châu Á-Thái Bình Dương, thứ 43 toàn cầu…
Bà Trần Thị Thu Hiền cũng cho biết, năm 2022, VNNIC đã xây dựng Cổng dữ liệu mở về tài nguyên Internet, cung cấp các dịch vụ trên nền tảng quản lý tài nguyên Internet; Mở rộng các hoạt động, đa dạng hoá các dịch vụ, bảo đảm hoạt động của mạng Internet luôn đồng hành cùng sự phát triển của thương mại điện tử, Chính phủ điện tử, chuyển đổi số tại Việt Nam; Cung cấp các dịch vụ, ứng dụng mới, thúc đẩy phát triển Internet Việt Nam; Triển khai áp dụng các giải pháp giám sát nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn, hỗ trợ các cơ quan nhà nước sử dụng hiệu quả, an toàn tên miền .gov.vn trong phát triển Chính phủ điện tử.
Ngoài ra, hệ thống quản lý tài nguyên Internet thực hiện trực tuyến, tự động theo yêu cầu quản lý, quy trình nghiệp vụ, phù hợp với các tổ chức, cơ quan quản lý tài nguyên Internet trên thế giới, phục vụ công tác phát triển và đảm bảo an toàn, an ninh mạng, đưa ra ứng dụng/dịch vụ mới…
Toàn cảnh hội nghị
Các chính sách, quy định về viễn thông cần nghiên cứu, chạy thử để đảm bảo thực thi
Chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị phải đẩy mạnh sự phát triển của lĩnh vực viễn thông - Internet để tương xứng với vai trò đóng góp cho phát triển đất nước. Về xây dựng các chính sách, quy định của lĩnh vực, các đơn vị cần nghiên cứu, chạy thử rồi ban hành để đảm bảo các chính sách, quy định thực thi được. Bên cạnh đó, việc phát triển lĩnh vực viễn thông - Internet phải phải nắm rõ quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là trong công cuộc chuyển đổi số, đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận hạ tầng số.
Thứ trưởng chỉ đạo ba đơn vị quản lý các lĩnh vực viễn thông - Internet phải có đầy đủ dữ liệu của các nội dung của lĩnh vực, có chỉ số đo, dữ liệu trực tuyến (online). Ngành TT&TT là ngành quốc tế hoá cao, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về các chính sách quản lý của các nước để tham khảo xây dựng chính sách cho Việt Nam.
Thứ trưởng cũng lưu ý khi giải quyết công tác quản lý các nội dung thuộc lĩnh vực tần số - viễn thông - Internet phải xem xét quan điểm, cách làm. Các mục tiêu phủ hạ tầng băng rộng, phủ cáp quang, chất lượng Internet, dùng chung hạ tầng viễn thông, triển khai 5G, thúc đẩy sử dụng IPv6… phải có cách làm cụ thể để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Thứ trưởng chỉ đạo Cục Tần số Vô tuyến điện cần tập trung mạnh mẽ cho rà soát, quy hoạch các băng tần, tiếp theo là tập trung cho công tác triển khai đấu giá tần số 5G.
Đối với VNNIC, Thứ trưởng lưu ý VNNIC tăng sử dụng đám mây "nội", 100% người dân sử dụng IPv6. IPv6 không phải là tài nguyên, mà sử dụng còn giúp doanh nghiệp, tổ chức thu thập được thông tin để phân tích các hoạt động kinh doanh. Đối với quản lý tên miền, cần có 1 trang web công bố chính thức các tên miền hợp pháp, từ đó sẽ tạo ra thị trường lành mạnh, giảm sự lừa đảo… vì tổ chức, cá nhân có thể tra cứu thuận tiện.
Thứ trưởng cũng giao Cục Viễn thông trong năm 2023 quyết liệt thực hiện SIM điện thoại phải chính chủ. Đây vừa là trách nhiệm của Ngành, của nhà mạng, bên cạnh đó, cũng cần có cơ sở dữ liệu về quản lý kho số…
Nguồn: mic.gov.vn