Asset Publisher
Trong những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở Tuy Đức đã diễn ra sôi nổi, với nhiều kết quả tích cực. Phong trào đã làm thay đổi tư duy của người nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Đơn cử như gia đình ông Đinh Văn Chánh, xã Đắk Búk So, 10 năm nay đều tham gia phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Ông Chánh cho biết, năm 1998, ông cùng gia đình rời quê hương Hải Dương đến xã Đắk Búk So lập nghiệp. Những ngày mới đặt chân đến vùng đất khách quê người, gia đình ông gặp phải muôn vàn khó khăn, cuộc sống bấp bênh bữa đói, bữa no.
Sau khi tham gia phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, gia đình ông Chánh (bên trái) đã được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nguồn vốn để phát triển kinh tế |
Năm 2010 gia đình ông Chánh đã mạnh dạn tham gia phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Sau khi tham gia phong trào, gia đình ông đã được các cấp hội nông dân, các hội viên hỗ trợ tích cực về kỹ thuật sản xuất, vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình ông đã có cơ ngơi vững vàng, với 8 ha cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, khoai lang… cho thu nhập bình quân hơn 300 triệu đồng/năm. Nhiều năm qua, gia đình tôi liên tục đạt danh hiệu "Hộ sản xuất, kinh doanh giỏi" cấp huyện.
Không riêng gì ông Chánh, từ năm 2015 – 2020, toàn huyện Tuy Đức đã có 15.515 lượt hộ nông dân đăng ký danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, có 9.894 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu "Hộ sản xuất kinh doanh giỏi" các cấp, đạt 64% tổng số hộ đăng ký.
Thời gian qua, để giúp nông dân nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi… Hội Nông dân huyện Tuy Đức đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn "cầm tay, chỉ việc" cho người nông dân. Qua thống kê cho thấy, từ năm 2015 đến nay, Hội Nông dân các cấp ở Tuy Đức đã phối hợp tổ chức mở 168 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… với 6.859 lượt hội viên nông dân tham gia.
Nhiều năm qua gia đình ông Chánh đều thuộc diện hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện |
Hội Nông dân huyện còn phối hợp mở 22 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 657 lao động nông thôn về các nghề như: Trồng trọt, chăn nuôi thú y, sửa chữa máy nông nghiệp, hàn xì; phối hợp với các công ty phân bón tổ chức 140 cuộc hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật và quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho 7.233 lượt hội viên nông dân.
Thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Tuy Đức đã phối hợp với các đại lý cung ứng được hơn 3.200 tấn phân bón trả chậm. Hiện nay, hội nông dân các cấp huyện Tuy Đức đang quản lý nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội trên 106 tỷ đồng, với gần 2.400 hộ nông dân được vay vốn. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn nhận ủy thác quản lý nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, với số tiền 5,47 tỷ đồng. Qua đó, triển khai cho 135 lượt hộ vay thực hiện 16 dự án trồng trọt, chăn nuôi trên toàn huyện.
Theo Hội Nông dân huyện Tuy Đức, thời gian qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" thu hút hàng ngàn hộ nông dân tham gia. Phong trào đã trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn. Nhiều hộ nông dân từ nghèo khó đã vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Phong trào đã làm thay đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mang tính chất hộ gia đình sang sản xuất hàng hóa theo dạng liên doanh, liên kết, chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chú trọng đến chất lượng, giá trị, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. Điều phấn khởi nhất là mỗi hộ nông dân khá giả đã tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập ổn định, góp phần xây dựng huyện Tuy Đức ngày càng giàu đẹp.
Theo Báo Đắk Nông Điện tử