Xuất bản thông tin

Cử nhân sinh học bỏ phố về quê trồng nấm làm giàu
Ngày đăng 22/07/2020 | 14:09  | View count: 90918

Có công việc ổn định ở thành phố, nhưng anh Nguyễn Kim Bình, 45 tuổi, thôn Nam Phú, xã Nam Đà (Krông Nô) đã bỏ việc để về quê trồng nấm và mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định.

Chủ động sản xuất giống

Năm 2000, anh Bình tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Sài Gòn. Ra trường, anh làm việc cho một công ty sản xuất nhựa gia dụng tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2015, dù đang có thu nhập ổn định ở công ty, nhưng anh Bình quyết định bỏ việc để về nhà đầu tư trồng nấm linh chi. Trước khi bắt tay vào sản xuất nấm, anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, sách báo và đi học tập kinh nghiệm trồng nấm ở TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Lâm Đồng... Từ những kiến thức đã được học trong trường đại học và quá trình tìm hiểu thực tế, anh bắt đầu trồng nấm.

Mô hình trồng nấm đã giúp anh Bình có nguồn thu nhập cao, ổn định

Nhận thấy giống nấm linh chi từ nơi khác về trồng ở địa phương có khả năng thích nghi không cao, năng suất thấp, nên anh Bình đã tự mày mò học cách sản xuất giống. Sau nhiều lần thất bại, anh đã nghiên cứu tìm ra cách sản xuất giống nấm linh chi bằng việc dùng nguyên liệu là thân của nấm linh chi.

Ưu điểm lớn nhất mà cách sản xuất giống này mang lại là khả năng tồn tại và phát triển của nấm trong điều kiện tự nhiên rất cao. Giống nấm mới này cũng có thời gian thu hoạch dài hơn so với giống ngoài thị trường. Từ cách làm này, các loại nấm khác như bào ngư, mối đen, nấm rơm... anh Bình cũng đều sản xuất được giống. 

Theo kinh nghiệm của anh Bình, trồng nấm quan trọng nhất là phải khử trùng đúng quy trình để nấm mới phát triển tốt. Giống nấm được cấy 1 tháng là có thể thu hoạch được lứa đầu tiên và cứ cách đều 15 ngày sau là thu hoạch các lứa tiếp theo… 

Ngoài sản xuất nấm linh chi, anh Bình còn sản xuất các loại nấm khác như bào ngư, nấm rơm, nấm mối...  Anh còn tư vấn miễn phí cho các hộ nông dân muốn đến học hỏi kinh nghiệm trồng nấm. Anh cũng cung cấp bịch nấm đã cấy giống cho những hộ dân có nhu cầu phát triển nấm.
Mô hình sản xuất nấm của gia đình anh Bình rộng 1.000m2, được quy hoạch thành các khu vực sản xuất giống, lò hấp, trồng và chăm sóc nấm. Anh Bình lắp đặt máy đo nhiệt độ và một hệ thống tưới phun sương trong khu vực sản xuất nấm. Chỉ cần bật công tắc điện, hệ thống điều hòa và tưới nước sẽ tự hoạt động.

 

Bình quân mỗi đợt, anh Bình trồng 55.000 bịch nấm các loại. Mỗi ngày, anh cung cấp ra thị trường khoảng 1 tạ nấm các loại. Với giá bán bình quân 27.000 đồng/kg, bình quân mỗi ngày anh Bình có doanh thu khoảng 2,7 triệu đồng. Nếu trừ chi phí, mỗi tháng anh có thu nhập trên dưới 30 triệu đồng.

 

Tái sử dụng nguyên liệu

Nguyên liệu để sản xuất nấm chủ yếu là mùn cưa và một số loại phế phẩm sinh học khác. Anh Bình tâm sự: "Trước đây sau mỗi đợt thu hoạch nấm là phải bỏ đi một lượng mùn cưa khá lớn. Trong khi chi phí mua mùn cưa lại khá cao. Từ đó, tôi đã mày mò tìm cách tái sử dụng lại nguyên liệu mùn cưa". 

Sau khi thu hoạch nấm, tỷ lệ mùn cưa còn lại khoảng 50%. Anh Bình dùng số mùn cưa cũ này trộn với 50% mùn mới và bổ sung dinh dưỡng để tái sản xuất. Ngoài việc tận dụng mùn cưa, anh còn tìm tòi, nghiên cứu ra công thức pha chế, điều tiết chất dinh dưỡng phù hợp để nấm phát triển tốt.

Với cách làm này, anh Bình đã giảm được 50% nguyên liệu đầu vào và tận dụng được 95% phế thải. Cụ thể, trước đây mỗi tháng anh Bình nhập 10 tấn mùn cưa về sản xuất nấm, nhưng hiện nay chỉ còn 5 tấn. Anh Bình cũng giảm được từ 40% – 50% chi phí mua nguyên liệu, tránh gây ô nhiễm môi trường, chống lãng phí.

Theo anh Bình, thời gian tới, anh sẽ tiếp tục sản xuất thêm nhiều loại nấm khác và đầu tư thêm máy móc, thiết bị để mở rộng quy mô sản xuất. Anh cũng tính tới việc nghiên cứu để tận dụng các nguồn phế phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, lõi và vỏ ngô, cây mì, bã mía… để làm nguyên liệu sản xuất nấm. Quan trọng hơn, anh đang mở rộng đầu ra cho sản phẩm, hướng tới việc liên kết với nông dân trên địa bàn để cùng nhau phát triển mô hình trồng nấm một cách bền vững.

Theo Báo Đắk Nông điện tử