Xuất bản thông tin
Nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán thiếu nước tưới gây ra trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh vừa ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nội dung triển khai công tác phòng chống hạn hạn vụ Đông Xuân 2019 – 2020, cụ thể như sau:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xây dựng kế hoạch, thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng mới các công trình thuỷ lợi trọng điểm trên địa bàn tỉnh đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh; Thực hiện đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thuỷ lợi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Chủ đầu tư; Tăng cường phổ biến và ứng dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng, đặc biệt là các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như: Cà phê, Hồ tiêu ...; Tăng cường đôn đốc, triển khai thực hiện chính sách đầu tư các công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh.
Ban Quản lý dự án các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nâng cấp các công trình thuỷ lợi phòng chống hạn hán trên địa bàn tỉnh; Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh ảnh hưởng bởi hạn hán (ADB8) và các dự án Thuỷ lợi khác được giao làm Chủ đầu tư.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh: Tiếp tục tổ chức vận hành, điều tiết nước tiết kiệm, hợp lý, thường xuyên theo dõi, đánh giá nhận định khả năng khô hạn của từng công trình thủy lợi, từng vùng sản xuất để có giải pháp phòng, chống hạn phù hợp, kịp thời; Chủ động điều tiết nguồn nước từ các hồ chứa; Chủ động kiểm tra, đề xuất phương án khắc phục, sửa chữa ngay các sự cố, hư hỏng ở trạm bơm và công trình đầu mối lấy nước, triển khai thực hiện nạo vét khai thông các kênh trục chính, các cửa lấy nước,… đảm bảo nguồn nước thông suốt từ đầu mối đến vị trí điểm giao nhận sản phẩm dịch vụ; Có kế hoạch mua bổ sung máy bơm dã chiến để tham gia công tác chống hạn. Đồng thời, chủ động kiểm tra, khảo soát các vị trí xây dựng các đập tạm nhằm tận dụng nguồn nước tối đa từ sông suối; Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc xây dựng điều tiết, quản lý nguồn nước, có kế hoạch linh hoạt trong việc điều chỉnh phân phối sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm nước và hạn chế tối đa lượng nước thất thoát;...
UBND các huyện, thành phố: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn nước (tưới đúng - tưới đủ). Đồng thời, tăng cường công tác ủ gốc giữ ẩm để kéo dài khoảng cách các đợt tưới; Rà soát, bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước; khuyến khích chuyển đổi cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; Thường xuyên, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm đến phạm vi công trình thủy lợi; tự ý vận hành cống điều tiết tại các hồ chứa, kênh mương; Hướng dẫn, khuyến khích nhân dân sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng, đặc biệt là các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu; Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước; trường hợp nguồn kinh phí vượt quá khả năng của địa phương, báo cáo đề xuất về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét, hỗ trợ theo quy định; Phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh và chủ các công trình thủy điện trong việc điều tiết nước phục vụ sản xuất theo đúng lịch trình, kế hoạch; Thành lập các tổ chức thuỷ lợi cơ sở; rà soát, xây dựng kế hoạch đề xuất hỗ trợ đầu tư phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước theo quy định;..... Đồng thời, định kỳ hàng tuần hoặc đột xuất tổng hợp báo cáo về công tác phòng chống hạn hán và các giải pháp chống hạn thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp theo quy định;...
H.M