Xuất bản thông tin

Năm học mới, xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm theo hướng quy chuẩn
Ngày đăng 29/08/2019 | 15:20  | View count: 75031

Năm học 2019-2020, từ các nguồn vốn khác nhau, ngành Giáo dục các huyện, thị xã đã được đầu tư 234,4 tỷ đồng xây dựng mới các phòng học và các công trình phụ trợ theo quy chuẩn. Nhiều trường học được xây mới tạo phấn khởi cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học

Trường THCS Nguyễn Du ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) được xây dựng lâu năm nên nhiều phòng học xuống cấp, không bảo đảm về quy chuẩn, gây khó khăn không ít trong tổ chức các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học. Năm học 2019-2020, từ ngân sách Nhà nước, trường được đầu tư xây mới 24 phòng học trong khuôn viên mới và đầy đủ các phòng chức năng, công trình hàng rào, cổng trường.

Trường THCS Nguyễn Du, xã Quảng Khê (Đắk Glong) được xây mới với đầy đủ phòng chức năng, công trình phụ theo hướng quy chuẩn

Ông Đào Quang Trung, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết: "Hiện nay, nhà thầu đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm đưa công trình vào sử dụng trong học kỳ I. Có cơ sở mới nên cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh rất phấn khởi. Trường cũng sẽ triển khai những hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng đổi mới mà tại cơ sở cũ khó thực hiện được, hướng đến mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, cơ sở cũ bước đầu dự kiến sẽ được sử dụng cho bậc tiểu học hoặc mẫu giáo, góp phần giảm áp lực thiếu phòng học trên địa bàn".

Không riêng gì Trường THCS Nguyễn Du, chuẩn bị cho năm học mới 2019-2020, huyện Đắk Glong được đầu tư 29,9 tỷ đồng; trong đó xây mới 43 phòng học 27,9 tỷ đồng và 5 công trình vệ sinh nước sạch 1 tỷ đồng.

Tương tự, tại Trường THCS Nam Đà ở xã Nam Đà (Krông Nô) mặc dù đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ I nhưng hiện nay nhiều phòng học đã xuống cấp, không bảo đảm quy chuẩn về diện tích, ánh sáng...Nhằm đạt mục tiêu xây dựng đạt chuẩn mức độ II, trường đã được đầu tư xây mới  dãy nhà 2 tầng kiên cố với 10 phòng học. Với việc được bổ sung phòng học mới giúp trường tổ chức dạy học được 2 buổi/ngày đối với các khối lớp cũng như có thể mở được các lớp phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi hàng năm.

Theo kế hoạch, huyện Krông Nô có 10 trường được đầu tư xây mới và tu sửa 10 trường học với tổng kinh phí trên 38 tỷ đồng; trong đó xây mới 54 phòng học 29 tỷ đồng và sửa chữa các công trình phụ trợ khác trên 8 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ năm học mới tại Trường mầm non tư thục Mi Sa ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa)

Từng bước hoàn thiện cơ ở vật chất trường học

Theo thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo, từ các nguồn vốn khác nhau, các địa phương đã được đầu tư xây dựng nhiều phòng học mới và các công trình phụ trợ. Địa phương được đầu tư nhiều nhất là thị xã Gia Nghĩa với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng; trong đó xây 34 phòng học. Huyện Cư Jút được đầu tư 34 tỷ đồng xây mới 21 phòng học và nhà hiệu bộ. Huyện Tuy Đức được đầu tư trên 31 tỷ đồng xây mới 27 phòng học và sửa chữa các công trình hạng mục khác. Huyện Đắk Song được đầu tư 18,3 tỷ đồng; trong đó xây dựng 14 phòng học 7 tỷ đồng và sửa chữa các hạng mục khác 11 tỷ đồng. Huyện Đắk Mil được đầu tư trên 19 tỷ đồng xây dựng 20 phòng học và sửa chữa các công trình phụ trợ. Huyện Đắk R'lấp được đầu tư 12,7 tỷ đồng, trong đó xây dựng 34 phòng học với trên 10 tỷ đồng và sửa chữa các công trình phụ trợ khác trên 1,67 tỷ đồng.

Ngoài ra, toàn ngành cũng được đầu tư 19,5 tỷ đồng mua sắm sách giáo khoa, vở viết và trang thiết bị tối thiểu phục vụ năm học mới. Trong đó, kinh phí mua sắm sách giáo khoa, vở viết cho học sinh dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND tỉnh là 14 tỷ đồng và mua sắm thiết bị mầm non, bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu với kinh phí 5,5 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh đầu tư từ các nguồn lực, điển hình như từ Chương trình xây dựng nông thôn mới nên các địa phương đã từng bước hoàn thiện cơ ở vật chất trường học. Nhiều huyện, thị xã đã xóa được phòng học tạm, giảm thiểu tối đa phòng học mượn. Hầu hết các cơ sở được xây mới đều bảo đảm theo quy chuẩn, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học cũng như phục vụ mục tiêu về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên, ở một số vùng sâu, vùng xa hiện nay vẫn còn thiếu phòng học, phòng học xuống cấp do xây lâu năm gây khó khăn cho các nhà trường trong tổ chức dạy và học. Ngành Giáo dục cũng đã rà soát, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã tăng cường ưu tiên nguồn vốn hơn nữa từng bước khắc phục, sửa chữa, bổ sung thêm phòng học cho những cơ sở thiếu nhiều.

Các cơ sở được xây mới phải bảo đảm đúng quy chuẩn, có đầy đủ phòng học, công trình phụ và phòng chức năng... Việc đầu tư xây mới và sửa chữa không chỉ đáp ứng nhu cầu dạy và học trước mắt mà còn là chuẩn bị điều kiện cần thiết để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở các cấp học.

Theo Báo Đắk Nông điện tử