Xuất bản thông tin
Tiếp tục khẩn trương tổ chức tiêm vaccine COVID-19 lưu động, tại vùng có tỷ lệ tiêm thấp; chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ; hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 8/2022.
Tiếp tục khẩn trương tổ chức tiêm vaccine COVID-19 lưu động, tại vùng có tỷ lệ tiêm thấp
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Công điện số 755/CĐ-TTg ngày 25/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Công điện nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc tiêm vaccine trên địa bàn, đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia và sử dụng kịp thời, hiệu quả số vaccine phòng COVID-19 được phân bổ, tránh lãng phí. Chỉ đạo các cấp chính quyền trên địa bàn đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người; tiếp tục khẩn trương tổ chức tiêm chủng lưu động, tại vùng có tỷ lệ tiêm thấp mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên để bảo đảm mục tiêu đề ra.
Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tiêm vaccine, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với các địa phương không bảo đảm tiến độ.
Chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ.
Công điện yêu cầu Bộ Y tế thực hiện quyết liệt các biện pháp giám sát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập; xử lý kịp thời ổ dịch, chăm sóc điều trị người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong. Đặc biệt lưu ý ưu tiên bảo vệ lực lượng y tế, đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng dễ bị tổn thương.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ cháy làm 3 cảnh sát hy sinh
Khoảng 13h00 ngày 1/8/2022, xảy ra vụ cháy tại số 231 phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội hy sinh. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Công điện 683/CĐ-TTg ngày 1/8/2022 chỉ đạo về vụ việc này.
Công điện yêu cầu Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức thăm hỏi, động viên, có biện pháp hỗ trợ kịp thời và thực hiện đầy đủ các chính sách với cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và gia đình; chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả và điều tra, xác định nguyên nhân vụ cháy, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Công điện 698/CĐ-TTg, ngày 4/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được giao thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của năm 2022; phấn đấu hoàn thành 100% tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao trong năm 2022 đảm bảo hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm an toàn giao thông dịp Lễ Quốc khánh 2/9
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2022.
Công điện yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan phải có phương án bảo đảm năng lực, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa, nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9 và hoạt động đi lại của học sinh, sinh viên…
Huy động lực lượng và nguồn lực hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại do động đất
Ngày 23/8/2022 trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã liên tiếp xảy ra một số trận động đất, dư chấn động đất với độ lớn từ 2.5 đến 4.7 độ Richter, gây rung lắc mạnh, lo lắng cho người dân trong khu vực.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Công điện số 750/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Quảng Nam tổ chức theo dõi sát tình hình, kiểm tra, đánh giá cụ thể thiệt hại (nếu có) do động đất, nhất là nhà ở của người dân, cơ sở hạ tầng thiết yếu (hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, cơ sở y tế, giáo dục); huy động lực lượng và nguồn lực hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại để ổn định cuộc sống người dân, bảo đảm an toàn công trình theo quy định.
Bên cạnh đó, cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời đến người dân về động đất, dư chấn động đất, thiệt hại do động đất (nếu có), tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Chỉ thị nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự; chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm theo đúng quy định của pháp luật, chú ý các hành vi trốn thuế trong kinh doanh bất động sản, không để đổ vỡ, bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tập trung bảo đảm hiệu quả, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường; không điều hành chính sách "giật cục", không chuyển trạng thái đột ngột từ "nới lỏng" sang kiểm soát chặt chẽ, hoặc ngược lại.
Chương trình hành động phát triển KTXH vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Nghị quyết 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng GRDP vùng đạt 8,0 - 9,0%/năm; đến năm 2030, quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 12 - 13%, công nghiệp - xây dựng chiếm 45 - 46%, dịch vụ chiếm 37 - 38%; GRDP bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành); tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 190 nghìn tỷ đồng. Tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; mỗi tỉnh có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới…
Hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 11/8/2022 quyết nghị thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo Nghị quyết, hỗ trợ một lần mức 3.700.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP;
Hỗ trợ một lần mức 2.200.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2022.
Tập trung thực hiện "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không" để phát triển kinh tế - xã hội
Tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 9/8/2022, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới cần tập trung thực hiện "4 ổn định": Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; "3 tăng cường": Tăng cường nắm tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và công tác y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tiêm phòng vaccine COVID-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong hệ thống hành chính nhà nước; "2 đẩy mạnh": Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công và công tác quy hoạch; "1 tiết giảm": tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết; và "1 kiên quyết không": không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột mà phải luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, khoa học, hiệu quả và chắc chắn.
Giải phóng mặt bằng xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM từ 1/10/2022
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP, triển khai Nghị quyết 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghị quyết nêu cụ thể dự kiến tiến độ, kế hoạch triển khai. Theo đó, địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng: Bắt đầu từ 1/10/2022, hoàn thành 30/3/2024.
Lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát,... và khởi công: Bắt đầu từ 30/11/2022, hoàn thành 30/6/2023.
Tổ chức thi công: Bắt đầu từ 30/6/2023, hoàn thành 30/6/2026.
Khởi công xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội trước 30/6/2023
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội.
Tại Nghị quyết trên, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 31/1/2023 và thực hiện các công việc tiếp theo, bảo đảm khởi công trước 30/6/2023.
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 108/NQ-CP thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc lập, quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp bách nhằm kịp thời thực hiện Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng quan trọng trong năm 2022; phấn đấu cơ bản hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia còn lại, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh trong năm 2022 trên cơ sở bảo đảm chất lượng các quy hoạch...
Chính phủ yêu cầu tập trung hoàn thiện 4 dự án Luật lớn
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký ban hành Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 30/8/2022 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022, trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện 4 dự án Luật: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Nghị định số 53/2022/NĐ-CP ngày 15/8/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, trong đó quy định phối hợp thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức
Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2022/NĐ-CP ngày 02/8/2022 quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định quy định việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.
Trong thời gian thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, viên chức chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng
Theo Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 8/8/2022 của Chính phủ, điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%.
Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 23/8/2022 quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Theo Nghị định, Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (gọi tắt là Cơ sở dữ liệu) là tập hợp thông tin về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin theo quy định của Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.
Điều kiện công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Phát triển sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) giai đoạn 2021 – 2025.
Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu của Chương trình là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Chương trình nhằm cung cấp kịp thời những luận cứ khoa học, thực tiễn và giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 thông qua tập hợp nguồn lực khoa học và công nghệ đa ngành; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống của người dân; thúc đẩy liên kết và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025.
Mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Chất thải phát sinh phải được quản lý như tài nguyên
Chất thải phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, khuyến khích quản lý tổng hợp chất thải theo toàn bộ vòng đời chất thải từ khi phát sinh đến khi xử lý cuối cùng theo hướng kinh tế tuần hoàn, khép kín.
Đó là quan điểm của Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã được Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phê duyệt tại Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 2/8/2022.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của Chương trình là đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn, tạo điều kiện cho người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chung về xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao chất lượng đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân…
Thành lập Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 986/QĐ-TTg thành lập Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô (Hội đồng điều phối vùng) nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô và Thủ đô Hà Nội phát triển thịnh vượng, bền vững và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Phấn đấu đến 2025, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 7,8 tỷ USD/năm
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 ban hành Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030.
Mục tiêu chung của Chương trình là phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nuôi trồng thủy sản; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2030 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7,0 triệu tấn/năm, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Thủ tướng phân công 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Để kịp thời có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tại Công văn số 727/TTg-KTTH ngày 16/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phân công 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số Bộ, cơ quan, địa phương.
Đến 2030, hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Theo Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 10/8/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, trên cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, "không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
Tiếp tục tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đến khi không còn thông tin
Tại Thông báo số 233/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc gặp mặt các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ; hoàn thành việc tìm kiếm, quy tập và kết luận khu vực, địa bàn có thông tin mộ liệt sĩ tập thể; từ năm 2031 trở đi, tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến khi không còn thông tin về hài cốt liệt sĩ, mộ liệt sĩ./.
Theochinhphu.vn