Xuất bản thông tin
Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, tỉnh Đắk Nông luôn xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần theo dõi, chỉ đạo sát sao, góp phần vào việc ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương.
Công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại tố cáo (GQKNTC) được ưu tiên thực hiện. Trong các hội nghị, cuộc họp, Tỉnh ủy luôn lồng ghép, quán triệt, triển khai quy định về TCD, GQKNTC, nghe phản ánh, xử lý những kiến nghị, KNTC của công dân một cách nghiêm túc, hiệu quả. Việc lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện các giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực được chú trọng.
Công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ từ tỉnh xuống cơ sở, phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của từng địa phương, đơn vị. UBND cấp xã chủ động lồng ghép tuyên truyền, phổ biến Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân… đến người dân, trọng tâm là các nội dung để công dân tự liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình nhằm bảo đảm việc khiếu nại, tố cáo đúng quy định của pháp luật.
Thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của người dân là hoạt động luôn được Ban Dân vận Tỉnh ủy thực hiện |
Trên cơ sở Chỉ thị số 35, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về đẩy mạnh công tác TCD, GQKNTC; quyết định thành lập Tổ tư vấn xử lý đơn, thư KNTC có tính chất phức tạp, kéo dài do Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy làm Tổ trưởng. Từ đó đến nay, Tổ đã rà soát các vụ việc KNTC phức tạp, kịp thời tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc. UBND tỉnh thì ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 35 và nhiều văn bản tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác TCD, GQKNTC.
Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1498-QĐ/TU về Quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân của Bí thư Tỉnh ủy và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân gửi đến Tỉnh ủy. Trên cơ sở đó, các huyện ủy, thành ủy và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã chỉ đạo, đôn đốc các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban ngành chức năng xây dựng văn bản triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung để thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc TCD, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Việc chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng ban hành kịp thời các văn bản để triển khai thực hiện Quy định số 11 phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng đơn vị; niêm yết lịch tiếp công dân của Bí thư Tỉnh ủy, huyện ủy, các cơ quan, ban ngành… cũng được chú trọng. Ban Nội chính Tỉnh ủy được giao chủ trì, phối hợp ban hành hơn 20 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp TCD, xử lý, phản ánh, kiến nghị, GQKNTC, bảo vệ người tố cáo được tăng cường.
Trong năm 2021, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, trọng tâm là tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Từ đó, Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình giám sát 6 tổ chức đảng; ban hành quyết định thành lập các đoàn kiểm tra xem xét việc thi hành kỷ luật 4 trường hợp theo Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 1 trường hợp.
Các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy xây dựng, thực hiện 10 cuộc kiểm tra và 1 cuộc giám sát. Cấp ủy các cấp đã kiểm tra 5.289 đảng viên, 349 tổ chức đảng, giám sát 1.106 đảng viên và 160 tổ chức đảng. Về giải quyết tố cáo đối với đảng viên là 20 đơn (giảm 16 đảng viên so với 2020). Ngành Thanh tra tỉnh thực hiện 27 cuộc thanh tra về trách nhiệm thực hiện các quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và Luật Phòng, chống tham nhũng và ban hành 23 kết luận.
Qua thanh tra đã tăng cường trách nhiệm, hiệu quả trong thực hiện công tác TCD, GQKNTC và phòng, chống tham nhũng, nhất là ở cấp xã. HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội các cấp thường xuyên tăng cường giám sát đối với công tác TCD, GQKNTC và bảo vệ người khiếu nại tố cáo…
Với việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, công tác TCD, GQKNTC đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu, tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, công chức về TCD, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị, địa phương định kỳ bố trí thời gian trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải quyết kịp thời, đúng pháp luật nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho người dân, đồng thời xử lý nghiêm những người sai phạm, góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, củng cố lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Trong năm 2021, toàn tỉnh tiếp nhận 5139 đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh (tăng 740 đơn so với 2020), trong đó có 4.522 đơn với 3.757 vụ việc đủ điều kiện xử lý; đã giải quyết 1.533 đơn, 1.610 đơn đang giải quyết, 1.379 đơn chưa giải quyết. Nội dung chủ yếu liên quan đến công tác thu hồi đất, phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đất, tài sản xuất trên đất, bố trí tái định cư; kháng nghị các bản án của tòa án các cấp; tình trạng buông lỏng quản lý, sử dụng đất đai, hành vi lấn chiếm trái phép, sai phạm trong cấp quyền sử dụng đất; tin báo, tố giác tội phạm; tố cáo liên quan đến hành vi cướp tài sản…
Theo Báo Đắk Nông Điện tử