Xuất bản thông tin

Giúp nạn nhân da cam vươn lên trong cuộc sống
Ngày đăng 10/08/2021 | 09:57  | View count: 9689

10 năm qua, thực hiện Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo đời sống cho các nạn nhân, với phương châm “tất cả vì NNCĐDC, hướng về cơ sở”.

Nhiều sự giúp đỡ thiết thực

Theo Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 4.000 người bị nhiễm và phơi nhiễm CĐDC; trong đó có hơn 1.200 người đã được giám định và hưởng chế độ. Phát huy vai trò tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của các nạn nhân, các cấp hội đã vận động được trên 21,5 tỷ đồng để tổ chức khám, cấp phát thuốc, tặng quà, vốn sản xuất, xây dựng nhà ở...

Ông Vũ Viết Vân, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh tặng quà gia đình nạn nhân khó khăn ở thôn 8, xã Đắk Búk So (Tuy Đức). (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Cụ thể, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa 501 căn nhà; tạo điều kiện cho 33 hộ gia đình nạn nhân có đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ sản xuất trong 5 năm không tính lãi, mỗi hộ 10 triệu đồng; trao học bổng cho 31 nạn nhân đang theo học ở các cấp học trong tỉnh, mỗi nạn nhân 18 triệu đồng trong 36 tháng.

Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, các cấp hội tổ chức trao quà cho hơn 18.000 lượt nạn nhân với tổng số tiền hơn 6,9 tỷ đồng. Việc hỗ trợ các nạn nhân về gạo, tặng xe lăn, áo ấm... cũng như thăm hỏi, động viên lúc hoạn nạn, ốm đau được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC còn được triển khai một cách năng động, sáng tạo, phù hợp với thực tế của tỉnh và đạt hiệu quả bền vững. Hiện nay, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã vận động gia đình bà Lê Thị Lanh và ông Trần Văn Thuận ở thôn 6, xã Kiến Thành (Đắk R'lấp) hiến 4.000m2 đất để xây dựng một cơ sở nuôi dưỡng, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, chăm sóc và giúp đỡ cho NNCĐDC, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi... Dự kiến, cuối năm nay, gia đình bà Lanh sẽ đầu tư xây dựng từ 8-10 phòng với đầy đủ điều kiện ăn ở và sinh hoạt cho nạn nhân, trẻ em mồ côi... theo đúng quy định.

Ông Vũ Viết Vân, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh cho biết: "Việc xây dựng cơ sở nuôi dưỡng giúp đỡ NNCĐDC, các đối tượng yếu thế là một trong những mục đích mà Hội luôn hướng tới, đó là giúp các nạn nhân có điều kiện phát triển bền vững, "cho cần câu chứ không chỉ đơn thuần cho xâu cá". Đó cũng là động lực để các nạn nhân và gia đình tiếp tục vững tin vào cuộc sống, vươn lên vượt qua khó khăn, khẳng định mình trong xã hội".

Đặc biệt, năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp hội đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, lương thực, thực phẩm. góp phần giúp nạn nhân vượt qua khó khăn trước mắt.

Đại diện Công ty nhôm Đắk Nông trao quà cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong). Ảnh: Phạm Khánh

Chăm sóc, giúp đỡ nhiều hơn nữa

Theo ông Vũ Viết Vân, NNCĐDC là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ và nghèo nhất trong tất cả những người nghèo. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các cấp ủy, chính quyền, hội các cấp và toàn dân trong tỉnh luôn quan tâm, chia sẻ, chăm sóc, hỗ trợ kịp thời, từng bước giúp nạn nhân và gia đình vượt qua được bệnh tật, khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Trong thư gửi các NNCĐDC/dioxin ở Việt Nam nhân ngày 10/8 năm nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan tổ chức, cá nhân đồng bào ta ở trong và ngoài nước tiếp tục phát huy truyền thống "tương thân tương ái" tốt đẹp của dân tộc, giúp đỡ và ủng hộ nhiều hơn nữa vào công cuộc khắc phục hậu quả của thảm họa da cam/dioxin, chăm lo cho NNCĐDC/dioxin, nhất là trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức đẩy lùi đại dịch Covid-19. Đây cũng là động lực để các nạn nhân và gia đình tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, phấn đấu vươn lên làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Trước yêu cầu này, giai đoạn 2021-2026, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã xác định việc chăm sóc, giúp đỡ sẽ được thực hiện tốt hơn nữa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, sáng tạo. Hội phấn đấu bảo đảm 100% nạn nhân có khó khăn về nhà ở được sửa chữa và làm mới, không có nạn nhân đói, rét và các nạn nhân có điều kiện được hỗ trợ học nghề, việc làm, sản xuất một cách phù hợp.

Theo Báo Đắk Nông Điện tử