Xuất bản thông tin

Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam
Ngày đăng 21/06/2021 | 08:40  | View count: 23017

Lịch sử dân tộc Việt Nam đòi hỏi và trên thực tế đã hình thành những tiền đề cần thiết cho sự ra đời một tờ báo cách mạng chân chính. Trong bối cảnh của Việt Nam vào thời điểm này, người gánh trách nhiệm lịch sử đưa ra chủ trương xuất bản tờ báo này phải là người cách mạng, hiểu sâu sắc vai trò của báo chí cách mạng cũng như hoàn cảnh chỉ có thể xuất bản và lưu hành bí mật (ngoài vòng pháp luật của thực dân Pháp). Sứ mệnh lịch sử này đã được nhà yêu nước, người cộng sản Việt Nam đầu tiên – Nguyễn Ái Quốc - nhận trách nhiệm thực hiện.

Ảnh tư liệu


Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, lịch sử nhân loại chứng kiến một sự kiện có tính bước ngoặt đối với sự phát triển của thế giới: Thắng lợi vang dội của cách mạng Tháng Mười Nga mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các nước thắng trận họp tại cung điện Versailles ở Thủ đô nước Pháp để phân chia lại thị trường và vùng ảnh hưởng trên thế giới. Nhưng tất cả các cường quốc đều cố tình lờ đi vấn đề khôi phục hay ít ra là nới rộng quyền cơ bản của nhân dân các nước thuộc địa mà họ đã không ít lần lớn tiếng hứa hẹn khi chiến tranh còn chưa phân thắng bại. Tại Hội nghị này, họ đã phớt lờ bản yêu sách đòi các quyền dân sinh dân chủ tối thiểu do Nguyễn Ái Quốc thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước gửi đến. Ở Việt Nam, mâu thuẫn giữa nhân dân với chủ nghĩa thực dân và tay sai phong kiến ngày càng gay gắt. Các phong trào yêu nước do các tầng lớp sĩ phu, tri thức, tiểu tư sản… lãnh đạo đều bị đàn áp dã man và lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Giai cấp công nhân Việt Nam từng bước lớn mạnh sẵn sàng đảm đương sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo cách mạng. Tình hình trên đòi hỏi truyền bá một cách có hệ thống chủ nghĩa Marx-Lenin, học thuyết cách mạng chân chính, vào Việt Nam; vận động, tổ chức đẩy mạnh phong trào yêu nước và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, tích cực chuẩn bị các tiền đề chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập một Đảng cách mạng, một tổ chức tiên phong đại diện lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cho toàn dân tộc.

Trên con đường đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình từ cuối năm 1917 khi Người từ Anh trở lại Pháp và sau đó tham gia Đảng xã hội Pháp. Động cơ làm báo lúc này của Người là phát biểu chính kiến của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay tại nước Pháp để đấu tranh giành đội lập, tự do cho dân tộc mình. Lúc đầu vốn tiếng Pháp của Người còn chưa đủ. Người phải nhờ một người bạn là luật sư Phan Văn Trường viết hộ nhưng không phải lúc nào bạn cũng nói hết hoặc nói đúng ý của Người. Nguyễn Ái Quốc hiểu, chỉ có một cách là tự mình phải viết lấy để diễn đạt đầy đủ ý kiến của mình.

Được sự khuyến khích của Charles Longuet, cháu ngoại của K.Marx, chủ nhiệm báo Lepopulaire (Người bình dân), cơ quan của Đảng Xã hội Pháp thời kỳ này và của Gaston Monmousseau, chủ bút báo La Vie Ouvrière (Đời sống thợ thuyền), Nguyễn Ái Quốc đã đi vào sự nghiệp báo chí. Sau này, Bác kể lại: "Lúc ở Paris, tuy biết nhiều tội ác của thực dân Pháp, nhưng không biết làm thế nào để nêu lên được. Một đồng chí công nhân ở toà báo Đời sống thợ thuyền cho Bác biết ở báo ấy có mục "tin tức vắn", mỗi tin chỉ có năm, ba dòng thôi và bảo Bác có tin tức gì thì cứ viết, đồng chí ấy sẽ sửa lại cho. Từ đó, ngoài những giờ lao động, Bác bắt đầu viết những tin rất ngắn, mỗi lần viết làm hai bản, một bản đưa cho báo, một bản thì giữ lại. Lần đầu tiên thấy tin được đăng thì rất sung sướng. Mỗi lần đều đem tin đã đăng trên báo so với bài mình đã viết, xem sai chỗ nào. Về sau đồng chí ấy bảo Bác viết dài thêm vài dòng nữa, rồi lại vài dòng nữa… cứ thế kéo dài 15 đến 20 dòng, rồi đến cả một cột dài. Lúc đó đồng chí ấy lại bảo: "Thôi bây giờ phải viết rút ngắn lại, cũng những việc như vậy nhưng phải viết cho rõ, cho gọn"1".

Ông Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương


Bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc mà ngày nay chúng ta được biết là một bài luận chiến sắc sảo với tiêu đề: "Tâm địa thực dân", phê phán những luận điệu xuyên tạc của một nhà báo Pháp ở Đông Dương. Từ năm 1919, nhiều tờ  báo ở Pháp, trong đó có những tờ nổi tiếng như: L'Humanité, Lepopulaire, La Vie Ouvrière, Le journal purple (Báo của dân), Le cahiers du communisme (Tạp chí cộng sản), La Correspondance internationale (Thư tín quốc tế)… đã đăng nhiều bài của Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 7/1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà hoạt động cách mạng ở các nước thuộc địa khác của Pháp như Algeria, Tunisia, Morocco… lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản báo Le Paria (Người cùng khổ) làm cơ quan tuyên truyền của Hội. Số 1 ra ngày 1/4/1922. Những bài đăng trên tờ báo này đã cho thấy tài năng báo chí và văn học của Nguyễn Ái Quốc. Sau một năm phát hành tờ Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc dự định xuất bản một ấn phẩm định kỳ bằng tiếng Việt nhằm phục vụ kiều bào ta nơi đất khách. Người dự định đặt tên cho tờ báo này là Việt Nam hồn. Tờ Việt Nam hồn chưa kịp ra mắt thì Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp sang Liên Xô. Tờ Việt Nam hồn đã được các bạn của Người thực hiện. Tờ Việt Nam hồn cũng được gửi về phát hành ở Việt Nam. Từ năm 1923 đến 1924, khi học tập công tác ở Liên Xô, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc làm cộng tác viên của hãng thông tấn Liên Xô và tờ tiếng Anh: Canto Gazette – cơ quan của Quốc dân Đảng Trung Quốc.

Từ những bước tập viết những tin ngắn 4-5 dòng lúc đầu, chỉ vài năm sau, Người đã sử dụng thuần thục ngòi bút của mình giữa làng báo Paris, tạo nên những tác phẩm báo chí cho đến nay vẫn còn là mẫu mực. Những chủ đề khi Nguyễn Ái Quốc đề cập thời kỳ này là những vấn đề hệ trọng gắn với vận mệnh của dân tộc và đụng chạm đến nhiều nhân vật và sự kiện tầm cỡ quốc tế. Trong các tác phẩm đầu tay của mình, Người đã vận dụng nhuần nhuyễn lý luận cách mạng. Các bài báo của Người thời kỳ này đã thể hiện rõ một căn bản tri thức sâu rộng. Nguyễn Ái Quốc đã để lại nhiều bài luận chiến với ngôn từ sắc bén, lập trường vững chắc, nhiều tiểu phẩm chua cay đối dành cho kẻ thù. "Bản án chế độ thực dân Pháp" xuất bản năm 1925 là một tác phẩm lớn tố cáo đanh thép chế độ thực dân dựa trên những tư liệu đầy sức thuyết phục, có giá trị cao không những về chính trị - lý luận mà còn cả về báo chí, văn học! Nguyễn Ái Quốc là một nhà báo như vậy, khi Người chuẩn bị cho sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Cuối năm 1924, Quốc tế Cộng sản phái Nguyễn Ái Quốc sang công tác ở Trung Quốc theo đúng nguyện vọng của Người được gần Tổ quốc để có điều kiện hoạt động cách mạng tích cực hơn, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thời gian này, với cương vị uỷ viên Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam, Nguyễn Ái Quốc là nhà yêu nước có sự hiểu sâu sắc văn hoá Đông Tây, là nhà cách mạng thấm nhuần sâu sắc bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Marx-Lenin, là một người từng nhiều năm làm báo và hiểu rõ sức mạnh của báo chí. Nguyễn Ái Quốc rất tâm đắc những tư tưởng của Lenin về báo chí: "Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị", "chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện".2 "Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung"3.

Cuối năm 1924, khi về đến Quảng Châu - Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc bắt tay ngay vào việc chuẩn bị xuất bản một tờ báo chính trị đồng thời với việc mở những lớp huấn luyện các thanh niên ưu tú đưa từ trong nước sang để làm nòng cốt cho cách mạng sau này.

Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí là học trò của Người thực hiện công việc trọng đại này trên căn gác nhỏ ở khu phố buôn bán sầm uất tại trung tâm Quảng Châu. Căn gác này cũng là nơi thành lập và là trụ sở của Hội Việt Nam cách mạng. Báo Thanh niên là cơ quan ngôn luận và đấu tranh của tổ chức này.

Báo ra hằng tuần, có khuôn khổ 19x13 cm, mỗi kỳ 2 trang, có số 4 trang. Báo có các mục: Xã luận, bình luận, diễn đàn phụ nữ, phê bình, tin tức, thơ ca, vấn đáp, trả lời  bạn đọc, việc làm.

Báo in trên chất liệu giấy sáp rồi được chuyển bí mật về nước. Ở Việt Nam, các số báo Thanh niên được các cơ sở cách mạng chép tay thành nhiều bản rồi chuyền tay nhau cho các đồng chí của mình đọc và truyền đạt tới nhân dân. Số đầu của tờ Thanh niên xuất bản ngày 21/6/1925 và tiếp tục xuất bản đều đặn hằng tuần. Với gần 90 số, báo Thanh niên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử: Báo Thanh niên đảm trách nhiệm vụ cơ bản là tuyên truyền tôn chỉ và mục đích của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Thông qua những bài viết để truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin, tuyên truyền và trình bày có hệ thống một số vấn đề cơ bản về đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, kêu gọi đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước ra sức đoàn kết chiến đấu giành lại độc lập dân tộc; góp phần tích cực chuẩn bị về mặt lý luận chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, việc xuất bản tờ báo Thanh niên đã mở ra một dòng báo chí mới - Báo chí cách mạng Việt Nam.

Sau báo Thanh niên,  Nguyễn Ái Quốc lập ra báo Kông nông (1926), Báo Đường Kách mệnh (1927). Ngày 1/10/1929, Báo Búa liềm, cơ quan ngôn luận của Đông Dương cộng sản Đảng ra số đầu tiên. Tháng 8/1929, chi bộ An Nam cộng sản ở Thượng Hải ra báo Đỏ viết tay trên giấy sáp. Kể từ tờ Thanh niên mở đường, đến cuối năm 1929, báo chí cách mạng Việt Nam đã có trên 50 tờ báo và tạp chí là cơ quan của các cấp hội của Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng và 2 tổ chức cộng sản là Đông Dương cộng sản Đảng và An Nam cộng sản Đảng.

Ngày 3/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, dưới sự chủ trì của Đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã thông qua nghị quyết về kế hoạch thành lập một Đảng cộng sản chân chính – Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục q của nghị quyết này đề cập về báo chí với các nội dung sau:

1.     Bỏ những tờ báo do Đông Dương cộng sản Đảng và An Nam cộng sản Đảng xuất bản trước đây.

2.     Ban Trung ương có thể xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền.

3.     Bỏ những tờ báo của các hội quần chúng do Đảng chỉ đạo.

4.     Duy trì tất cả những tờ báo do quần chúng chủ trương4

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam từ tờ báo đầu tiên – báo Thanh niên xuất bản ngày 21/6/1925, qua mỗi thời kỳ cách mạng 1925-1930, 1930-1945, 1945-1954, 1954-1975, 1975-1986, 1986-đến nay, đều có sự phát triển mạnh mẽ. Đến nay là một hệ thống quốc gia với 600 cơ quan thông tin đại chúng gồm nhiều loại hình, ở nhiều cấp, thuộc nhiều cơ quan chủ quản, xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng các dân tộc thiểu số, bằng nhiều ngoại ngữ, với những chức năng và nhiệm vụ hết sức đa dạng, nhắm tới nhiều loại đối tượng độc giả và sử dụng nhiều công nghệ truyền thông hiện đại. Với gần 20.000 nhà báo có bản lĩnh chính trị, có đạo đức và nghiệp vụ báo chí, Báo chí cách mạng Việt Nam là một  nền báo chí kiểu mới, do Đảng cộng sản tổ chức lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng chính trị tư tưởng. Đó là nền báo chí vừa là cơ quan ngôn luận của các tổ chức trong hệ thống chính trị vừa là diễn đàn của nhân dân. Đây thực sự là nền báo chí của nhân dân, vì lợi ích cao cả của nhân dân mà hoạt động và chịu sự giám sát của nhân dân. Rất đỗi tự hào trước những trưởng thành và cống hiến to lớn trong lịch sử 96 năm qua, hơn 20.000 nhà báo Việt Nam tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống bút sắc, lòng trong, tâm sáng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí Việt Nam cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, hiệu quả - tuyên truyền, cổ động, tổ chức chung góp phần hiện thực hóa thắng lợi khát vọng 2045: Việt Nam thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

PGS.TS Đào Duy Quát

Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực

Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương

 

Theo chinhphu.vn