Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 cho người dân ở Morocco , ngày 3/3/2021. (Ảnh: Xinhua) |
Ngày 4/3, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo khả năng xuất hiện thêm nhiều biến thể mới nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2 nếu không đẩy nhanh việc cung cấp vaccine ngừa dịch bệnh cho khu vực này. Giám đốc PAHO Clarissa Etienne khẳng định thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu vaccine ngừa COVID-19 trong phần lớn năm 2021 và lượng vaccine sẵn có hiện đang không được phân phối đồng đều. Quan chức PAHO cho rằng, các quốc gia giàu có đã bắt đầu triển khai tiêm phòng, trong khi nhiều nước khác vẫn chưa nhận được liều nào. Bà Etienne lưu ý, "chừng nào dịch COVID-19 vẫn còn tồn tại ở một phần của thế giới, phần còn lại sẽ không bao giờ được an toàn".
Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 4/3 cho thấy, hiện toàn thế giới có 91.454.588 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 97% tổng số ca mắc). Trong số 21.723.828 ca bệnh đang điều trị thì có 21.633.786 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 90.042 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 "vùng dịch" lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 34.489.278 trường hợp, trong đó có 823.542 ca tử vong và 24.103.065 ca được điều trị khỏi. Dịch bệnh tại khu vực này vẫn tiếp tục lây lan dù chính phủ các nước đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine cho người dân.
Hiện Bắc Mỹ có 33.798.919 ca nhiễm bệnh, trong đó có 767.584 ca tử vong vì COVID-19. Sau nhiều tháng chật vật chiến đấu với dịch bệnh, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trên thế giới, với tổng số 29.456.377 ca nhiễm và 531.652 ca tử vong vì COVID-19. Đứng thứ 2 là Mexico, với tổng cộng 2.097.194 ca nhiễm và 187.187 ca tử vong ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 875.559 ca nhiễm và 22.105 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 4/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 25.231.470 trường hợp, với 400.680 ca tử vong và 23.703.491 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.127.299 ca bệnh đang điều trị thì có 21.976 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước "dẫn đầu" châu Á về số ca nhiễm, với 11.156.748 ca; tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với 2.734.836 ca.
Trong những giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 834 ca nhiễm và 31 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 18.223.720 trường hợp, với 472.868 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Argentina, Peru… với lần lượt: 10.722.221; 2.262.646; 2.126.531; 1.338.297… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 4/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 3.953.557 trường hợp, trong đó có 104.834 ca tử vong và 3.516.663 ca bình phục. Trong tổng số 332.060 ca đang điều trị thì có 2.484 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.516.262 ca nhiễm COVID-19 và 50.366 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 11 ca nhiễm COVID-19, tất cả đều ở Australia. Hiện khu vực này ghi nhận 51.365 ca nhiễm và 1.091 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.007 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.452 ca./.
Theo dangcongsan.vn