Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19
Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có nhiều chỉ đạo quan trọng về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; trong đó có việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương thành 3 nhóm (nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp) để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Theo Thông báo 158/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4/2020 về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Cụ thể, nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh. Các địa phương này tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22 hoặc 30/4/2020 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, xây dựng hạ tầng, bảo đảm lưu thông hàng hóa.
Nhóm địa phương có nguy cơ gồm 16 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang. Các địa phương này cần thực hiện nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến hết ngày 22/4/2020 và sẽ có điều chỉnh vào ngày 22/4 tùy diễn biến dịch bệnh.
Nhóm có nguy cơ thấp gồm 35 tỉnh còn lại. Yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện theo chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
* Bên cạnh các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tại Thông báo số 154/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng các kịch bản, phương án, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2020.
Còn tại Thông báo 156/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp là rất quan trọng, cần thiết nhằm thể hiện tinh thần Chính phủ và các cấp chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát huy tinh thần yêu nước, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội, tái cấu trúc doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển và tái khởi động nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp theo hình thức kết hợp truyền hình trực tiếp và trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế, ứng phó với dịch COVID-19.
Thủ tướng chỉ thị xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 – 2025
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 đồng thời tiến hành xây dựng Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 để phê duyệt, triển khai thực hiện ngay khi kế hoạch 5 năm được cấp có thẩm quyền thông qua.
Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo
Tại văn bản số 3083/VPCP-KTTH ngày 17/4/2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo và việc cho phép xuất khẩu gạo nếp, báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Trước đó, tại văn bản số 2969/VPCP-KTTH ngày 15/4/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính phải báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu tháng 4/2020, trong đó nêu cụ thể về quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống; công tác phối hợp với Bộ Công Thương về việc này. Đồng thời, Bộ Tài chính báo cáo việc mua tạm trữ lương thực theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng chuỗi đảm bảo cung ứng thịt lợn trong mùa dịch
Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp với các doanh nghiệp chăn nuôi lợn.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các thành phần liên quan đến chuỗi sản xuất thịt lợn thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát và giảm giá thịt lợn hơi xuất chuồng xuống 70.000 đ/kg kể từ ngày 01/4/2020; tiến tới giảm dưới 65.000 đ/kg đến 60.000 đ/kg lợn hơi và thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát giá thịt lợn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 132/TB-VPCP ngày 29/3/2020. Đồng thời, đẩy mạnh vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; xây dựng các chuỗi đảm bảo cung ứng thịt lợn trong mùa dịch và ổn định thị trường.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì chỉ đạo, thực hiện tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống kênh phân phối, cung ứng, đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng nuôi của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến thương nhân, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng nhằm giảm chi phí trung gian đến mức thấp nhất cho người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá lên cao.
Triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT quý II/2020
Chỉ đạo triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý II năm 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; triển khai thực hiện Năm an toàn giao thông 2020 với chủ đề "Đã uống rượu, bia không lái xe"; theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo thực hiện các giải pháp hiệu quả để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị 17/CT-TTg yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các qui định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; thúc đẩy việc áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; tăng cường quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm.
11 loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn
Chính phủ ban hành Nghị định 48/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thuỷ văn, trong đó nêu rõ 11 loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật khí tượng thủy văn.
Giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc – Nam
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 442/CĐ-TTg về việc giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương xây dựng tiến độ chi tiết để thực hiện hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại (khoảng 30%), cơ bản bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công Dự án trong quý II/2020.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Đường "Nhuệ"
Tại công văn 2941/VPCP-NC, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) yêu cầu làm rõ những vi phạm pháp luật của Đường "Nhuệ", tức Nguyễn Xuân Đường.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm tỉnh Thái Bình chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi phạm tội "cố ý gây thương tích" của các đối tượng. Bên cạnh đó, cần mở rộng điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu phạm tội hoạt động có tổ chức, mang tính chất "xã hội đen" của nhóm đối tượng này, đã được các cơ quan báo chí thông tin trong những ngày qua, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Xử lý nghiêm hành vi mua gom sổ bảo hiểm xã hội
Báo tin tức (Thông tấn xã Việt Nam phát hành) ngày 08/4/2020 đưa tin: "Lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 công nhân mất việc làm, nhiều đối tượng thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội nhằm trục lợi của công nhân. Mới đây, một số đối tượng đã lập trang Facebook mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội Bình Dương để rao mua bán".
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao các Bộ, cơ quan: Công an, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời cảnh báo, xử lý nghiêm các hành vi mua gom sổ bảo hiểm xã hội, siết chặt quy trình chi trả để ngăn chặn các đối tượng trục lợi.
Gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải biển
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo về giải pháp khắc phục khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ vận tải biển. Tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển đội tàu; đôn đốc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, tăng cường liên doanh, liên kết với các đối tác trong nước và nước ngoài để đa dạng hóa.
Theo chinhphu.vn