Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19

"Con nuôi đồn biên phòng"
Ngày đăng 24/09/2019 | 08:48  | View count: 63665

Bắt đầu từ năm học 2019-2020, các đồn biên phòng tỉnh lựa chọn và đón các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nuôi dưỡng, học tập. Tuy mới triển khai, nhưng bước đầu mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” đã mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần chắp cánh ước mơ cho con em vùng biên cương.

Vẫn như ngỡ đang sống trong mơ

Mới gần 1 tháng kể từ ngày dọn đến ở Đồn biên phòng Tuy Đức, em Jônh Tôni, dân tộc M'nông ở bon Bu Boong, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) hiện học lớp 3, Trường tiểu học Lý Tự Trọng, vẫn như ngỡ mình đang sống trong mơ. Em không phải "đứt bữa", không phải đi rẫy mà chỉ chuyên tâm việc học hành. Hoàn cảnh của Jônh Tôni éo le ngay từ khi em vừa lọt lòng. Bố bỏ đi khi em còn nhỏ, mẹ không có việc làm phải để em lại cho bà ngoại đi làm thuê, làm mướn tận tỉnh Bình Dương. Cuộc sống của em hết sức vất vả nên năm học lớp 3 em phải bỏ học (nếu không thì giờ đã học lớp 5).

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng quà, động viên Jônh Tôni - con nuôi của Đồn biên phòng Tuy Đức

Thấu hiểu hoàn cảnh của Jônh Tôni, thực hiện chủ trương chung của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đầu năm học 2019-2020, Đồn biên phòng Tuy Đức đã vận động bà ngoại, người thân để em được đi học và đưa về đơn vị chăm nuôi. Thiếu tá Nguyễn Văn Nga, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Tuy Đức cho biết: "Tuy nhà cháu cách trường không xa, chúng tôi cũng có thể chu cấp lương thực, tiền cho gia đình hàng tháng nhưng đơn vị vẫn quyết định đón về nuôi. Bởi vì, ngoài việc chăm sóc, quản lý, chúng tôi còn muốn tạo dựng cho cháu lối sống tự lập. Điều đó rất cần cho cuộc sống của cháu sau này".

Bây giờ, cuộc sống của Jônh Tôni đã đi vào nếp. Buổi sáng, sau tiếng kẻng báo thức, em cũng ra sân xếp hàng tập thể dục, sau đó ăn sáng và đến trường học. Quản lý đơn vị vẫn chấm đủ tiêu chuẩn sinh hoạt hàng ngày như tất cả cán bộ, chiến sĩ khác. Chỉ khác là, giờ học tập, huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ thì em lại cắp sách đến trường hoặc tự ôn bài. Thỉnh thoảng, gặp bài toán khó, em lại nhờ các anh, các chú hướng dẫn. Trung úy K'Thanh-người được giao làm bố nuôi chia sẻ: "Bây giờ, học sinh học khác thời chúng tôi. Mình giải được kết quả đúng, nhưng phương pháp lại không như các cháu học, thế nên có khi phải gọi điện cho cô giáo".

Lo cho con từ bữa ăn, giấc ngủ

Đối với Nông Tấn Phát, dân tộc Tày, ở bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực (Tuy Đức) học lớp 3B, Trường tiểu học N'Trang Lơng thì việc được Đồn biên phòng Đắk Dang nhận làm con nuôi thực sự đã mở ra cho em một tương lai mới, bởi tưởng như cánh cửa cuộc đời đã khép lại đối với em khi mẹ bỏ đi lúc hai anh em Phát còn thơ dại. Một mình bố "gà trống nuôi con", nhưng sức khỏe yếu nên hoàn cảnh cũng không khá lên được. Năm học lớp 2 Phát chỉ đi học được 2/3 thời gian. Bởi vậy, con đường đến trường của Phát có nguy cơ phải dang dở.

Biết được hoàn cảnh của Phát, hàng năm Đồn biên phòng Đắk Dang đều hỗ trợ chia sẻ gánh nặng với gia đình em. Ngay khi có chủ trương thực hiện mô hình "con nuôi đồn biên phòng" Ban chỉ huy đồn đã quyết định động viên gia đình để đơn vị đưa Phát về nuôi ăn học.

Trên bước đường học tập của em Nông Tấn Phát đã có thêm sự dìu dắt, đồng hành của những người bố nuôi ở Đồn biên phòng Đắk Dang

Thiếu tá Phạm Mạnh Tuấn-bố nuôi của Phát chia sẻ: Anh em chúng tôi xác định lo cho con từ bữa ăn, giấc ngủ, buổi tối lại cùng ôn bài, kèm cặp giúp con theo kịp cái chữ, có những hành trang bước đầu trong cuộc đời mình. Khi mới về, Phát còn e dè, ngại tiếp xúc, sợ người lạ. Những lúc như thế, tôi cùng các đồng đội nhẹ nhàng, gần gũi động viên, chăm lo cho con".

Sau gần một tháng ở với các bố nuôi, tác phong sinh hoạt của Phát chững chạc, tư tin lên hẳn. Anh Nông Văn Vững (bố của Phát) chia sẻ: "gần 1 tháng ở với các chú bộ đội, thằng Phát "ra dáng" hơn lúc ở nhà nhiều rồi. Ai cũng bảo nó chững chạc hẳn". Nhìn cách chào hỏi lễ phép, đi thưa về gửi, đối đáp đâu ra đấy, góc học hành ngăn nắp, gọn gàng, nơi ngủ nghỉ sạch sẽ... chúng tôi hiểu phần nào về những công sức của những người lính biên phòng trong việc nuôi dạy Phát.

Tràn đầy niềm tin về cuộc sống tốt đẹp

Ngoài hai đồn trên, Đồn biên phòng Đắk Tiên ở xã Thuận Hà (Đắk Song) cũng nhận nuôi cháu Đặng Văn Minh, dân tộc Dao, học lớp 8 ở bản Đắk Thốt, xã Thuận Hà. Đồn biên phòng Thuận An ở xã Thuận An (Đắk Mil) nhận nuôi cháu Y Dũng, dân tộc M'nông, học lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, bon Sar Pa, xã Thuận An. Tuy mới về ở với những người lính mang quân hàm xanh thời gian ngắn nhưng qua trò chuyện, thấy cháu nào cũng phấn khởi, tràn đầy niềm tin về cuộc sống tốt đẹp phía trước.

Được những bố nuôi ở Đồn biên phòng Đắk Tiên chỉ bảo, cuộc đời của Đặng Văn Minh sang trang mới

Theo Đại tá Phan Quý Vỹ, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, mô hình "Con nuôi đồn biên phòng" là chủ trương nhằm giúp đỡ các em học sinh hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa, con em gia đình có công với cách mạng trên địa bàn biên giới. Qua đó, các em được tạo điều kiện về mọi mặt, phát triển toàn diện, sau này trở thành những công dân tốt cho gia đình, xã hội. Chương trình cũng góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa bộ đội biên phòng với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc.

Trước mắt, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giao cho 4 đồn biên phòng phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các trường trên địa bàn biên giới lựa chọn và đón bốn cháu về nuôi dưỡng. Các cháu được quan tâm chăm sóc như những đứa con của gia đình và những người lính đã trở thành người cha, người chú, người anh, cùng nhau sống và sinh hoạt trong không khí ấm áp nghĩa tình. Các cháu được các đơn vị bố trí nơi ăn, ngủ, góc học tập, mua sắm quần áo, chăn, màn, sách vở, đồ dùng học tập, cử cán bộ kèm cặp, giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần. Các cháu sẽ được nhận nuôi đến khi học xong THCS, sau khi  vào THPT thì sẽ chuyển qua Chương trình "Nâng bước em đến trường" để tiếp tục hỗ trợ học tập. Trong thời gian tới, các đồn biên phòng còn lại tiếp tục khảo sát, lựa chọn, nhận con nuôi, nhân rộng mô hình "Con nuôi đồn biên phòng" trong toàn tỉnh.

Bố nuôi của Y Dũng ở Đồn biên phòng Thuận An trao đổi với thầy giáo chủ nhiệm, giúp em học tập tốt hơn

Hôm nay, trên khuôn mặt hồn nhiên, thơ ngây của những "con nuôi biên phòng" đã ánh lên niềm tin tươi sáng vào ngày mai. Bởi lẽ, ngoài sự quan tâm dạy dỗ của gia đình, thầy cô giáo, bên cạnh các em luôn có những người lính biên phòng giúp đỡ, lo toan về mọi mặt.

 

Theo Báo Đắk Nông điện tử