Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19
Vào các bản làng người Mông ở trên địa bàn tỉnh vào những ngày cuối năm âm lịch, không khí nhộn nhịp hẳn lên, nhà nhà, người người đều vui mừng đi chợ mua sắm các vật dụng cần thiết để chào đón Tết Mậu Tuất 2018.
Phụ nữ Mông ở xã Đắk R'măng (Đắk Glong) đi chợ phiên, sắm sửa áo quần mới đón tết |
Theo những người già dân tộc Mông ở xã Đắk Som (Đắk Glong), thông thường cứ vào khoảng 20 tháng Chạp là bà con bắt đầu nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ phiên mua sắm mọi thứ để chuẩn bị đón tết. Trong ngày tết của người Mông không thể thiếu món ăn đặc trưng là bánh dày, được làm từ gạo nếp. Nhà nào có điều kiện hoặc có thời gian rảnh thì ủ rượu ngô để thết đãi bà con trong bản.
Vào đêm 30 (giao thừa), gia đình nào cũng làm một mâm cơm đặt lên bàn thờ để mời tổ tiên về chung vui với gia đình. Trong mâm cơm luôn có các món ăn mà gia đình tự làm, nuôi được như thịt gà, cơm, bánh dày và rượu ngô. Người Mông quan niệm rằng, vào những ngày tết, bà con chỉ được ăn thịt, không được ăn rau; nấu bếp không được dùng miệng thổi; ăn cơm không được chan canh… Bởi không ăn rau để cả năm không phải ăn nhiều rau; ăn thịt thì chăn nuôi mới tốt để có thịt mà ăn; thổi bếp thì mưa bão sẽ làm đổ hoa màu…
Trong những ngày tết, tất cả mọi người gác lại chuyện của năm cũ, cùng nhau nghỉ ngơi, ăn mừng mùa vụ, trao đổi kinh nghiệm lao động, sản xuất, tỏ lòng biết ơn tổ tiên, trời đất đã che chở, phù hộ cho bà con, thôn bản có một mùa màng bội thu, gia đình được mạnh khỏe, bình an và cầu mong những điều tốt đẹp hơn trong năm mới. Đặc biệt, mọi người đều xúng xính mặc những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ sắc màu của dân tộc để trẩy hội, du xuân. Tại các lễ hội, ngoài việc trao nhau những lời chúc tốt đẹp, đồng bào còn thể hiện khả năng của mình thông qua sử dụng một số nhạc cụ truyền thống của dân tộc như khèn, sáo, kèn lá…
Ông Lý Văn Sửu ở thôn 3, xã Đắk Som cho biết: "Năm nào cũng vậy, sau khi thắp hương cho tổ tiên, các thành viên trong gia đình lại cùng nhau đi đến nhà anh em, chú bác để chúc xuân. Sau đó một vài hôm thì vài gia đình lên kế hoạch du xuân tại một số điểm du lịch trên địa bàn. Nếu biết bản nào tổ chức lễ hội thì chúng tôi đi đến đó để chung vui".
Bà Giàng Thị Vàng ở thôn 3 nói: "Năm cũ kết thúc, năm mới vừa sang, chúng tôi phải chuẩn bị tươm tất để đón tết bên người thân. Dù xa quê hương vào Đắk Nông lập nghiệp đã lâu nhưng phong tục, tục lệ kiêng cữ vẫn được chúng tôi gìn giữ. Chỉ mong năm mới tất cả mọi người trong bản đều bình an và có cuộc sống sung túc hơn".
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, toàn tỉnh hiện có 5.091 hộ đồng bào Mông với hơn 31.050 nhân khẩu, sinh sống rải rác ở các địa phương trong tỉnh. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, đời sống vật chất cũng như tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên đáng kể. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, đồng bào còn chú trọng gìn giữ những phong tục, nghi lễ văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Cùng với sự phát triển của xã hội, đồng bào đã tổ chức đón tết cổ truyền văn minh, tiết kiệm, chứ không còn kéo dài hàng tháng như trước đây.
Theo Đắk Nông Online