Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19

Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”
Ngày đăng 23/08/2022 | 15:57  | View count: 4167

Chiều 22/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu trong cả nước. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, có đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Toàn, TUV, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và đại diện lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan tham dự.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, xây dựng và phát triển văn hoá học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành Giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo. Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng văn hoá học đường thời gian qua đã được khẳng định rất rõ trong nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025", Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Xây dựng và phát triển văn hoá học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành Giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo. Ở đó, con người phải là trung tâm và phát triển con người phải được quán xuyến trong tất cả các hoạt động của nhà trường.

Ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. Trong đó, văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã có những tham luận, thảo luận nhằm đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường như: Xây dựng văn hóa học đường góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Công tác chỉ đạo triển khai của Đoàn, Hội, Đội về các giải pháp phối hợp với ngành Giáo dục trong nhiệm xây dựng văn hóa học đường; Định hướng của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phối hợp triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường; Xây dựng hệ giá trị văn hóa cần hình thành trong học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn coi trọng và thường xuyên dành sự quan tâm đối với công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Nghị quyết 33 của BCH Trung ương Đảng khóa XI yêu cầu "xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình và cộng đồng"; "xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ". Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, một trong những trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, vì sự phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo.

Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn ngành Giáo dục và Đào tạo cần lưu ý một số nội dung trọng tâm để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa học đường, trong đó tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hóa học đường và kiên trì tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra. Toàn ngành Giáo dục và Đào tạo phải xây dựng một số mô hình điểm về văn hóa học đường và nhân rộng các mô hình. Gắn việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hóa học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục nói riêng. Phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập, củng cố, hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phát huy tốt vai trò chủ trì, tham mưu, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong xây dựng văn hóa học đường; đề nghị các bộ, ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh thực hiện văn hóa học đường ngay từ đầu năm học 2022 - 2023.


Tấn Lê