Khát vọng Đắk Nông

Tăng cường trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Đắk Nông
Ngày đăng 12/09/2022 | 16:17  | View count: 9950

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về tăng cường trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Đắk Nông.

Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Từ kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 cho thấy, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các cấp chính quyền, cả hệ thống chính trị của tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư ghi nhận. Chỉ số PCI 2021 tỉnh Đắk Nông đạt 61.95 điểm, xếp thứ 52/63 tỉnh, thành, tăng 8 bậc so với năm 2020, vượt 7 bậc so với chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.

Đ/c Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (PCI) tỉnh Đắk Nông vào ngày 27/5/2022

Để tạo môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng, minh bạch hơn, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Đắk Nông trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, chính quyền địa phương và cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai các giải pháp cụ thể đối với từng chỉ số như: Chỉ số tính minh bạch; Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Chỉ số Đào tạo lao động; Chỉ số tiếp cận đất đai; Chỉ số Gia nhập thị trường; Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng; Chỉ số tính năng động; Chỉ số Chi phí không chính thức; Chỉ số Chi phí thời gian; Chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành cải thiện các chỉ tiêu trong các chỉ số thành phần PCI

Sở Kế hoạch và đầu tư làm đầu mối 03 chỉ số thành phần: Gia nhập thị trường (trọng số 5%); Cạnh tranh bình đẳng (trọng số 5%); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (trọng số 20).

Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối Chi số thành phần về Tính minh bạch (trọng số 20%).

Văn phòng UBND tỉnh làm đầu mối 02 chỉ số thành phần: Chi phí thời gian (trọng số 5%); Tính năng động và tiên phong của chính quyền  (trọng số 5%).

Sở Nội vụ làm đầu làm đầu mối chỉ số thành phần Chi phí không chính thức (trọng số 10%).

Sở Tài Nguyên và Môi trường làm đầu mối chỉ số thành phần về Tiếp cận đất đai (trọng số 5%).

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối Chỉ số thành phần về Đào tạo lao động (trọng số 20%).

Công an tỉnh làm đầu mối làm đầu mối Chỉ số thành phần về Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự - (trọng số 5%).

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối các chỉ số thành phần có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị liên quan và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các chỉ tiêu trong chỉ số thành phần được giao. Nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, bám sát các giải pháp cải thiện các chỉ số, chỉ tiêu được giao tại Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông do UBND tỉnh ban hành hàng năm.

Thủ trưởng các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa

Chủ động chỉ đạo, giải quyết công việc, nhiệm vụ theo thẩm quyền. Tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức về các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh cấp tỉnh. Nâng cao vai trò, tinh thần, trách nhiệm và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu để giải quyết kịp thời, hiệu quả công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, tính phối hợp của lãnh đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Chỉ đạo đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ số, để giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp cải cách, rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Kịp thời rà soát, đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những thủ tục hành chính còn chồng chéo, gây cản trở cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chỉ đạo kịp thời đề xuất các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo định kỳ kết quả công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (trước 01/6 và 05/12/ hàng năm) về UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư). Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, kịp thời tổng hợp báo cáo các nội dung vướng mắc phát sinh để chỉ đạo, xử lý kịp thời.

Huy Hoàng