Khát vọng Đắk Nông
Đắk Nông có vị trí địa lý, khí hậu, đất đai thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Trên thực tế, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp khá ổn định (trung bình 5%/năm) và giữ vai trò là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế tỉnh nhà. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng, giá trị trong sản xuất nông nghiệp thì việc hình thành các chuỗi liên kết, tiến tới hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông có vai trò rất quan trọng.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra mục tiêu sớm đưa Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên. Trong số các nhiệm vụ trọng tâm được xác định thì ngành Nông nghiệp có nhiệm vụ rất quan trọng, đó là: "Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực".
Tiềm năng phát triển nông nghiệp
Đắk Nông có tổng diện tích tự nhiên hơn 650.000 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 380.000 ha, chiếm 58,5% tổng diện tích tự nhiên. Tỷ trọng của ngành Nông nghiệp chiếm 37,58% trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Thời gian qua, với quyết tâm của tỉnh, những cố gắng nỗ lực cao của toàn ngành Nông nghiệp đã góp phần định hình và phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng với năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản được cải thiện đáng kể. Toàn tỉnh đã hỗ trợ phát triển, công nhận được 41 sản phẩm OCOP (với 4 sản phẩm đạt 4 sao và 37 sản phẩm đạt 3 sao). Đắk Nông đã hình thành một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 120 ha và 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 2.432 ha. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương cũng đã tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn với diện tích trên 25.000 ha cây trồng các loại.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phạm Tuấn Anh (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh thăm cơ sở sơ chế củ cải của HTX Nông Lâm Dược liệu Thịnh Phát (Đắk Glong) |
Ở các địa phương trong tỉnh cũng dần hình thành được các chuỗi liên kết giữa người sản xuất với các hợp tác xã, doanh nghiệp. Từ việc hình thành các chuỗi liên kết đã giúp thị trường xuất khẩu nông sản của tỉnh được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng khá, giá trị đạt khoảng 800 triệu USD/năm…
Với tiềm năng về vị trí địa lý, khí hậu, đất đai… lớn thì dư địa để ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông phát triển vẫn còn rất nhiều. Thực tế, phần lớn sản phẩm nông sản của tỉnh hiện được tiêu thụ dưới dạng thô, chưa qua chế biến sâu. Việc tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian, chi phí đầu vào cao, chất lượng chưa đồng đều. Trong khi các chuỗi liên kết phần lớn nhỏ lẻ, chỉ mới dừng lại ở khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ mà chưa hình thành được chuỗi giá trị, nên ngành Nông nghiệp tỉnh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế vốn có.
Để ngành Nông nghiệp tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có thì việc phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi liên kết, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết và có ý nghĩa nhằm thúc đẩy liên kết phát triển theo chuỗi giá trị.
Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị
Hiện nay, chỉ tính riêng các ngành hàng chủ lực của Đắk Nông đã đạt những con số ấn tượng, bao gồm: cà phê với diện tích hơn 130.000 ha, sản lượng hơn 316.000 tấn; hồ tiêu hơn 34.000 ha, sản lượng gần 49.000 tấn; cao su gần 24.000 ha, sản lượng gần 30.000 tấn; điều hơn 16.000 ha, sản lượng hơn 18.000 tấn. Đó là chưa kể nhóm cây lương thực, thực phẩm…
Tuy diện tích lớn, nhưng toàn tỉnh mới có 9 liên kết sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu với diện tích 1.630 ha, sản lượng 3.812 tấn, chiếm 3,5% sản lượng hồ tiêu của tỉnh. Ảnh: Vườn hồ tiêu của người dân xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp |
Về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, Đắk Nông hiện mới chỉ có 64 liên kết thuộc 8 ngành hàng nông sản với 9.563 hộ gia đình tham gia. Điển hình như liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê có 25 liên kết (bao gồm 12 HTX, 13 doanh nghiệp) với diện tích khoảng 13.284 ha/7.691 hộ tham gia, sản lượng 40.788 tấn, chiếm 12,8% sản lượng cà phê toàn tỉnh. Trong liên kết sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu có 9 liên kết (2 tổ sản xuất, 4 hợp tác xã, 2 doanh nghiệp) với diện tích 1.630 ha/763 hộ tham gia, sản lượng 3.812 tấn, chiếm 3,5% sản lượng hồ tiêu của tỉnh. Ngay trong liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo cũng chỉ mới có 2 liên kết (2 HTX) với diện tích 620 ha/419 hộ tham gia, sản lượng 6.100 tấn/vụ, chiếm 15,8% sản lượng toàn tỉnh…
Với tỷ lệ liên kết, sản xuất tiêu thụ còn thấp đã đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải đẩy mạnh các giải pháp để thúc đẩy, mở rộng liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Trên cơ sở các chính sách lớn của tỉnh, ngành Nông nghiệp Đắk Nông đã và đang nỗ lực cơ cấu lại sản xuất; trong đó, thực hiện tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế tập thể; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn… Đắk Nông cũng tham gia đề án thí điểm phát triển vùng nguyên liệu cà phê của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ngoài ra, tỉnh còn khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư hình thành chuỗi liên kết tiến đến hình thành chuỗi giá trị bền vững thông qua các hợp tác xã… nhằm từng bước hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra.
Liên kết sản xuất giúp tăng giá bán sản phẩm nông nghiệp Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, liên kết sản xuất theo chuỗi góp phần thúc đẩy các mặt hàng chủ lực, bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm, chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến. Các sản phẩm nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị được chứng nhận, có truy xuất nguồn gốc và có giá bán cao hơn từ 15-20% giá của sản phẩm cùng loại trên thị trường… Ngoài giá trị gia tăng của nông sản được nâng lên thì quyền lợi của người sản xuất cũng được bảo vệ. |
Theo Báo Đắk Nông Điện tử