Thông tin đối ngoại

Những điểm mới, đột phá trong Nghị quyết số 18-NQ/TW về quản lý đất đai
Ngày đăng 04/10/2022 | 14:09  | View count: 42904

Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý đất đai. Chỉ ra những điểm mới, đột phá trong chủ trương của Đảng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ: Nghị quyết này có vai trò to lớn trong tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn: Nghị quyết số 18-NQ/TW có vai trò to lớn trong tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. 

Nghị quyết số 18-NQ/TW được kỳ vọng tạo ra những đột phá mạnh mẽ
Ngày 16/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết 18) về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". 

Bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội (Sửa đổi, bổ sung năm 2011), Hiến pháp năm 2013, kế thừa, phát triển và cụ thể hoá các chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất qua các kỳ Đại hội, nhất là Đại hội XIII trong bối cảnh mới, Nghị quyết số 18-NQ/TW có nhiều điểm mới, đột phá. 

Với nhiều nội dung chỉ đạo mới quan trọng về quản lý nhà nước đối với đất đai, Nghị quyết 18-NQ/TW được kỳ vọng tạo ra những đột phá mạnh mẽ, tạo động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Những điểm mới, đột phá trong Nghị quyết số 18-NQ/TW 
Làm rõ hơn về những điểm mới, đột phá trong chủ trương của Đảng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ, những điểm này được thể hiện xuyên suốt trong nội dung của Nghị quyết, từ quan điểm, mục tiêu đến nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện nhưng tựu chung lại ở ba điểm mới lớn, cơ bản. 

Theo đó, Nghị quyết định hướng nâng cao vai trò của thị trường trong quản lý và sử dụng đất; nâng cao vai trò đại diện chủ sở hữu và năng lực quản lý của Nhà nước về đất đai; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai; đảm bảo hài hoà trong lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước, trong đó người dân là trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Về định hướng nâng cao vai trò của thị trường trong quản lý và sử dụng đất, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra yêu cầu đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Đồng thời Nghị quyết số 18-NQ/TW khẳng định: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý" và chỉ rõ tính tài sản của quyền sử dụng đất. 

Nghị quyết cũng định hướng mở rộng quyền tiếp cận đất đai đối với người dân và doanh nghiệp. 

Những định hướng trên sẽ giúp cho thị trường quyền sử dụng đất trở nên linh hoạt hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tập trung đất đai và ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, từ đó tăng hiệu quả sử dụng đất; khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp và tâm lý "sợ mất đất" của người nông dân; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai; tăng tính công khai, minh bạch và hạn chế tình trạng lạm dụng, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất.

Đối với định hướng nâng cao vai trò đại diện chủ sở hữu và năng lực quản lý của Nhà nước về đất đai, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Nghị quyết số 18-NQ/TW nêu rõ ý nghĩa của sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý cũng như cụ thể hoá sự thống nhất quản lý của Nhà nước về đất đai. 

Đặc biệt, Nghị quyết số 18-NQ/TW nêu rõ: "Nhà nước bảo đảm đủ nguồn lực để lập quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất". 
Bên cạnh đó có chế tài đồng bộ, cụ thể để xử lý những trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất và sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. 

Kiên quyết thu hồi đất của tổ chức, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp sử dụng không đúng mục đích, nhất là tại các vị trí có lợi thế, có khả năng sinh lời cao, ngăn chặn thất thoát vốn tài sản nhà nước. 

Định hướng này còn được thể hiện qua yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; nâng cao năng lực, trình độ cán bộ, công chức ngành quản lý đất đai; đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ hiện đại và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về đất đai, trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin về đất đai, tập trung, thống nhất và hiện đại.

Đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về đất đai gắn liền với điều kiện thực thi và kiểm soát, giám sát quá trình thực hiện. 

Nghị quyết đặt ra yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của các bên liên quan trong quản lý và sử dụng đất, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Đảng; thanh gia, giám sát, kiểm soát của Nhà nước; nâng cao vai trò của cơ quan tư pháp trong giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, các bên liên quan và nhân dân. 

Tập trung nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra, đánh giá tài nguyên đất; thống kê, kiểm kê đất đai; giám sát sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo và phục hóa đất.

Ngoài ra, Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đặt ra yêu cầu đảm bảo hài hòa trong lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước, trong đó người dân là trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau. 
Phân tích những điểm mới của nội dung này, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, yêu cầu này quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phải tái định cư thì phải thực hiện tái định cư trước khi thu hồi đất. Đồng thời, phải đảm bảo được sinh kế cho người dân. Cụ thể là hỗ trợ người dân trong việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất.

Cùng với đó, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa trong lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch. 

Nghị quyết số 18-NQ/TW đưa ra định hướng: "Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang". 
Nhưng, đồng thời Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu: "Có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư; đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người có công với cách mạng; những địa phương được quy hoạch sản xuất nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ các loại rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…".

Bên cạnh định hướng về sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có thể tham gia vào dự án đầu tư thông qua việc chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, Nghị quyết còn yêu cầu có quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất vùng phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng và chính sách ưu tiên cho người có đất ở bị thu hồi được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng theo quy định của pháp luật; quy định về xây dựng cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn.

Những điểm mới, đột phá tại Nghị quyết số 18-NQ/TW là những yêu cầu lớn trong chủ trương của đảng đối với việc hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, những điểm mới lớn, đột phá tại Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng chính là những yêu cầu lớn trong chủ trương của Đảng đối với việc hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ.

Việc thể chế hoá chủ trương mới của Đảng về quản lý và sử dụng đất sẽ tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và thống nhất, bảo đảm cho Nhà nước có đầy đủ công cụ pháp lý để thực hiện quyền và nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu, chủ thể sử dụng đất; hạn chế được tiêu cực, lạm dụng. 

Những yếu tố đó cùng với việc bảo đảm hài hoà lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất sẽ góp phần giảm thiểu lãng phí, tiêu cực; giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai; đất đai sẽ được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững hơn, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nghị quyết số 18-NQ/TW với những chủ trương mới của Đảng về quản lý và sử dụng đất cùng với sự quán triệt và thống nhất cao trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có vai trò to lớn trong tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao./.

Theo chinhphu.vn