KỶ NIỆM 95 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Sáng 9/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06). Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông |
Đề án 06 xác định 13 nhiệm vụ chung, 89 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành Trung ương; 13 nhóm nhiệm vụ chung và 8 nhiệm vụ cụ thể của các địa phương. Đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 21/89 nhiệm vụ; các địa phương hoàn thành 4/13 nhiệm vụ và 1/8 nhiệm vụ cụ thể.
Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành, đưa 21/25 dịch vụ thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đã mang lại nhiều tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tính đến 31/7/2022, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức đối với một số cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương.
Ngày 18/7/2022, Bộ Công an đã công bố mã định danh và xác thực điện tử. Đến ngày 31/7/2022, hệ thống đã thu nhận hơn 6,1 triệu hồ sơ và cấp hơn 7.800 tài khoản định danh điện tử. Hiện đã có trên 76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử đã được cấp cho công dân…
Việc triển khai Đề án 06 cũng còn một số khó khăn, tồn tại. Một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt chỉ đạo, chưa kiểm tra, giám sát, đôn đốc những nhiệm vụ đề ra.
Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; còn 10/22 hệ thống của các bộ, ngành và 33 địa phương chưa đáp ứng về an ninh an toàn. Nhân lực còn thiếu, nhất là chưa xây dựng được 2 nhóm chuyên gia quản trị và công nghệ thông tin để tham gia quản trị hệ thống…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thực hiện Đề án 06 cần phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, tránh lãng phí nguồn lực.
Các bộ, ngành, địa phương cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển chuyển đổi số, nhất là triển khai cho bằng được hệ sinh thái công dân số.
Thực hiện Đề án không được nóng vội, nhưng phải quyết liệt, cụ thể từng việc. Các cấp, ngành, địa phương phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, hành động quyết liệt trên cơ sở đồng thuận của người dân.
Việc phát triển dữ liệu dân cư phải thể hiện được tính công khai, minh bạch, thuận lợi, an toàn cho người dân. Quá trình triển khai phải nghiên cứu giải pháp hỗ trợ những người yếu thế, không có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin...
Theo báo Đắk Nông điện tử