KINH TẾ - XÃ HỘI
Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đã có buổi làm việc với các ngành để nghe báo cáo về công tác chuẩn bị tổng kết thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 7/4/2011 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) giai đoạn 2010- 2015, định hướng 2020 (NQ 04). Tại đây, nhiều hạn chế, bất cập cũng như những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh thực hiện nghị quyết đã được nêu ra.
Nhân giống rau tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) |
Khắc phục việc triển khai theo kiểu tự phát
Triển khai lúng túng, cầm chừng, tự phát, đây là ý kiến đánh giá của nhiều đại biểu có mặt tại cuộc họp. Có thể nói, dù NQ 04 được ban hành nhiều năm qua nhưng các ngành, địa phương không tạo ra một bước nhảy vọt thật sự trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Về vấn đề này, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thẳng thắn chỉ ra: "Việc triển khai nghị quyết theo kiểu tự phát mà chưa theo một chương trình, đề án, kế hoạch nào cụ thể đã thể hiện tính quan liêu. Trong đó, cơ quan chuyên môn đứng đầu là ngành Nông nghiệp cũng chưa tham mưu cho tỉnh cụ thể hóa thực hiện nghị quyết như thế nào chứ chưa nói đến các ngành khác".
Cũng từ hệ lụy của việc triển khai nghị quyết theo tính tự phát nên tỉnh chưa xây dựng được các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp làm NNCNC. Theo đó, đến nay mặc dù tỉnh đã có một số chính sách nhưng còn nhiều bất cập, chậm đi vào thực tế nên người dân, doanh nghiệp chưa được hưởng lợi gì nhiều.
Đồng chí Lê Diễn chỉ đạo, năm 2017, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tập trung nguồn lực cho NNCNC, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Đắk Nông sẽ tháo gỡ mọi rào cản từ tất cả các khâu, do đó các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu cần nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, ý nghĩa của NQ 04. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành cần đối chiếu lại giữa chính sách và thực tế còn những điểm hở nào để lấp đầy lại, triển khai cho hiệu quả. "Việc triển khai tốt nghị quyết này thì mới thật sự nâng cao đời sống cho đại đa số nhân dân, nông dân mới giàu, bà con mới trực tiếp được hưởng lợi", đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định thêm.
Cũng về sự hạn chế trong thực hiện NQ 04, một số đại biểu cho rằng, các mô hình có ý nghĩa quan trọng nhưng hiện nay mô hình cây, con, công nghệ được nhà nước triển khai, xây dựng thành công và nhân rộng còn quá ít. Điều này đã đi ngược lại với thực tế cuộc sống khi ở nhiều địa phương trong tỉnh, không ít nhà nông đã có những sự tìm tòi, sáng tạo, tự đầu tư để làm ra các sản phẩm tốt hơn. Chung quy lại, phát triển NNCNC vẫn chưa thoát ra được vì còn nhiều hạn chế như quy mô nhỏ lẻ, sản xuất thiếu tính bền vững, chưa xây dựng được thương hiệu, cơ sở hạ tầng còn khó khăn.
Thực tế, mô hình NNCNC của nông dân chưa "cất cánh" được do thiếu sự định hướng của Nhà nước. Về vấn đề này, đồng chí Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: "Cùng với hồ tiêu, cà phê thì Đắk Nông có cam, quýt ở Gia Nghĩa, Đắk Glong nổi tiếng ngon, ngọt, được người tiêu dùng, nhà khoa học đánh giá cao. Thế nhưng, nông dân phát triển còn nhỏ lẻ, khoảng 6-7 ha, chạy theo năng suất, giao thông thì khó khăn nên không thể sản xuất theo kiểu hàng hóa được".
Nhiệm vụ cấp bách trong năm 2017
Để khắc phục được cơ bản những hạn chế của quá trình thực hiện NQ 04 thì hai vấn đề cấp bách được Thường trực Tỉnh ủy đưa ra, đó là thực hiện quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nâng cấp khu nông nghiệp công nghệ cao hiện có của tỉnh.
Về điều này, đồng chí Trương Thanh Tùng cho rằng: "Ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh việc thực hiện quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở lựa chọn 1- 2 cây có tính đặc trưng theo vùng rõ ràng. Song song với đó, tỉnh có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cụ thể, nếu doanh nghiệp, nông dân sản xuất cây con theo hướng NNCNC thì sẽ được hỗ trợ như thế nào, cơ quan nào trực tiếp thực hiện hỗ trợ về cả thủ tục, vốn". Còn ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: "Ngành sẽ phân tích bản đồ thổ nhưỡng trên toàn tỉnh, đánh giá được sự thích nghi của từng loại cây trồng, vật nuôi thời gian qua gắn với biến đổi khí hậu để quy hoạch sát, phù hợp, hiệu quả hơn".
Về vấn đề phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao, ông Đàm Quang Trung, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nêu ý kiến: "Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đã có rồi nhưng cần xem xét lại các mô hình ở đây đã đáp ứng yêu cầu NNCNC hay chưa để có sự sắp xếp, bố trí lại khu này".
Kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Diễn đã nhấn mạnh: Đắk Nông có những lợi thế về phát triển NNCNC. Trong giai đoạn hiện nay lại được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - PTNT ủng hộ thì chúng ta cần tranh thủ tốt điều kiện thuận lợi này mà động lực đầu tiên là trong năm 2017. Đắk Nông phấn đấu đưa Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh trở thành 1 trong 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hàng đầu của cả nước.
Ngày 4/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng nghiên cứu, quy hoạch đến 2030. Theo đó, phân kỳ đến năm 2030, Đắk Nông là 1/22 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của cả nước có địa điểm tại thị xã Gia Nghĩa, với diện tích 120 ha, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao gồm: Trồng trọt giống và sản phẩm hoa, rau, nấm ăn, nấm dược liệu, cây ăn quả, cà phê, hồ tiêu, mắc ca, cá nước ngọt. |
Theo Đắk Nông Online