KINH TẾ - XÃ HỘI

70 năm lời Bác dạy: Ngày ấy và bây giờ…
11/05/2018 | 08:52  | View count: 5881

Đã tròn 7 thập kỷ kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương hằng năm vẫn ghi nhớ bằng nhiều hình thức khác nhau: Từ tổ chức lễ kỷ niệm đến phát động các đợt thi đua phù hợp với nhiệm vụ cách mạng, được toàn thể quân, dân và cả nước tham gia hưởng ứng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại Hội anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ IV, năm 1966

 

Có thể nói rằng, hiếm có chủ trương, chính sách nào, một biện pháp quản lý nhà nước nào được "viết thành lời" trong 1 văn kiện ngắn gọn, súc tích chưa đến 440 từ lại chứa đựng nhiều câu chữ còn nguyên vẹn giá trị, đã, đang và sẽ trở thành "kim chỉ nam" cho mọi hành động quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc như lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuối tháng 3/1948, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ gần 3 tháng sau ngày ban hành chỉ thị của Trung ương Đảng thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời Kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948). Đây là hướng đi đúng đắn và sáng suốt của Đảng đồng thời cho ta thấy thêm về tư tưởng, đạo đức và tầm cao cốt cách của Bác. "Lời kêu gọi" là tiếng lòng của vị Cha già dân tộc gửi tới con dân cả nước, của vị tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân kêu gọi các tướng lĩnh, binh sĩ xung trận và trên hết là lời kêu gọi của Người sáng lập ra Đảng gửi tới các đồng chí Đảng viên gương mẫu đi đầu trong phong trào thi đua ái quốc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chính vì vậy, ngay sau khi lời kêu gọi thi đua ái quốc ra đời nhiều phong trào thi đua đã phát triển rầm rộ. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác ngày ấy  tựa như lời Hịch vang dội khắp non sông, thức tỉnh cả dân tộc vùng lên, đồng lòng, chung sức, góp của quyết tâm chiến thắng "giặc đói khổ, giặc dốt nát và giặc ngoại xâm"… như mục đích của lời kêu gọi thi đua lúc bấy giờ. Ngay trong những năm kháng chiến chống Pháp nhiều phong trào thi đua tiêu biểu đã xuất hiện như "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt  và diệt giặc ngoại xâm", phong trào "Đồng khởi", phong trào "Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công"... Sau chiến thắng Điện Biên Phủ có phong trào "Cờ Ba nhất", "Ba đảm đang", "Dạy tốt, học tốt", "Cháu ngoan Bác Hồ"… Tất cả các phong trào thi đua trên đã đi sâu vào tiềm thức của mọi tầng lớp trong xã hội, lan tỏa khắp hai miền Bắc, Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần quyết định thắng lợi cả 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và những thành tựu trong công cuộc kiến thiết đất nước.

Kết thúc mỗi thời kỳ cách mạng hoặc sau mỗi cuộc phát động thi đua, Đảng, nhà nước ta đã tiến hành tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm, tiến hành biểu dương, khen thưởng và nhân rộng để tiếp tục phát huy.

Tính đến nay phong trào thi đua ái quốc đã trải qua 9 kỳ Đại hội: Đại hội đầu tiên là Đại hội Anh hùng, chiến sỹ thi đua toàn quốc nay đổi thành Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc. Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc trên chặng đường 70 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước đều tổ chức theo lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho dù phương pháp tổ chức ngày càng hiện đại, quy mô tổ chức ngày càng phát triển, mức độ động viên vật chất ngày càng lớn đến đâu thì nội dung cơ bản của các kỳ Đại hội vẫn là: Tổng kết đánh giá kết quả các phong trào thi đua, giao lưu trao đổi với các điển hình tiêu biểu, xuất sắc trên từng lĩnh vực để rút ra bài học kinh nghiệm, nhân rộng các tấm gương tiêu biểu; đồng thời phát động thi đua yêu nước cho giai đoạn kế tiếp.

Hiện nay tình hình thế giới, đất nước và dân tộc đã khác thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc năm 1948. Thế giới đã bước vào thời kỳ khoa học công nghệ 4.0. Đất nước hòa bình, thống nhất đã hơn 4 thập kỷ. Dân tộc đang ở tầm cao mới cả về truyền thống văn hóa, lịch sử, đang sánh vai năm châu… Nhưng nội dung chủ yếu trong lời kêu gọi của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, đã và tiếp tục được vận dụng để phát triển trong các phong trào thi đua yêu nước ở hiện tại và tương lai.

Ngày nay các nội dung trong lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được kế thừa khá đầy đủ trong nội dung các văn bản phát động thi đua do Thủ tướng hoặc Chủ tịch nước ký ban hành. Cũng trong 3 mục đích về thi đua ngày ấy nay được thể hiện phong phú, đa dạng hơn. Mục tiêu của "Diệt giặc đói khổ" ngày ấy nay là phong trào "Xóa đói, giảm nghèo", "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau"…… Mục tiêu của "Diệt giặc dốt nát " nay là các phong trào "Xã hội học tập", "Phổ cập giáo dục phổ thông", "Sản xuất kinh doanh công nghệ cao thế hệ 4.0"… Và mục tiêu của "Diệt giặc ngoại xâm" là các phong trào "Thi đua Quyết thắng", "Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc", "Chung tay xây dựng nền quốc phòng toàn dân"…

Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Đắk Nông lần thứ III năm 2015

 

Kết quả thi đua ái quốc không nằm ngoài mục đích thi đua xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Xưa đã thế và nay cũng vậy. Đã 70 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác vẫn là kim chỉ nam cho mọi hành động được cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và toàn dân tộc ghi nhớ. Lời kêu gọi thi đua ái quốc đã trở thành sức mạnh tinh thần và vật chất qua từng đợt thi đua, lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy : "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất". Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thi đua - khen thưởng càng tự hào bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm lớn bấy nhiêu để cùng phấn đấu hoàn thành trọng trách đó trước Tổ quốc và nhân dân./.

Minh Ngọc