Văn bản địa phương

Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 14/10/2002 của chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách
 | View count: 71765

Sáng ngày 29/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 14/10/2002 của chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định số 78). Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, đồng chí Điểu K'ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Lê Văn Chiến, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, NHCSXH tỉnh tham dự.

Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78, NHCSXH đã huy động nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn tín dụng tăng trưởng ổn định, đến ngày 30/11/2022, đạt 297.738 tỷ đồng, tăng 290.633 tỷ đồng (gấp 41,9 lần) so với năm 2002, tăng trưởng bình quân 21,4%/năm. Hiện 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác quản lý 99,1% dư nợ tín dụng, với 277.284 tỷ đồng; trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ 106.372 tỷ đồng, chiếm 38,4%; Hội Nông dân 83.397 tỷ đồng, chiếm 30,1%; Hội Cựu chiến binh 47.268 tỷ đồng, chiếm 17%; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quản lý 40.247 tỷ đồng, chiếm 14,5%.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đã tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830.087 tỷ đồng. Nguốn vố đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84.000 máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 729.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác… 

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá về tính hiệu quả của chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai chương trình tín dụng; đề xuất các giải pháp quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng giai đoạn tiếp theo.

Hội nghị thống nhất đề ra một số mục năm 2023, tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù của NHCSXH. Tăng cường nguồn lực cho NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; trong đó, tăng trưởng bình quân 10%/năm; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%/ tổng dư nợ... 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong 20 năm qua. Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn theo hướng mở rộng đối tượng cho vay; đẩy mạnh xã hội hóa, hoàn thiện cơ chế chính sách tiền lương; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đưa chính sách tín dụng đến đúng đối tượng, sử dụng hiệu quả phát huy nguồn vốn chính sách tín dụng; đổi mới phương thức hoạt động quản lý tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho người vay phát triển kinh tế, sản xuất thoát nghèo... 

Song Nguyên