Văn bản địa phương

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp
 | View count: 7603

Sáng 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (ảnh chinhphu.vn)

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương và các doanh nghiệp. Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh chủ trì; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tham dự.

Theo đánh giá tại hội nghị, Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Từ năm 2021 đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 09 bộ, cơ quan.

Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Cả nước đã thành lập tổng số 11.700 Bộ phận Một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh được thành lập, 01 địa phương thành lập bộ phận một cửa tập trung; 06 địa phương vẫn duy trì mô hình Bộ phận Một cửa tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, cơ quan, địa phương là 6.522 TTHC. Số TTHC đưa ra thực hiện tại Bộ phận Một cửa các cấp đạt trung bình 96,9 %.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là trên 3,56 triệu văn bản. Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính đạt 98%...bên cạnh đó, các nền tảng, hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền tiếp tục được vận hành, phát triển, góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Đối với tỉnh Đắk Nông, trong 09 tháng đầu năm 2022, số dịch vụ công mức 3, 4 của tỉnh là 1.074 dịch vụ, chiếm 63% tổng số dịch vụ công đang cung cấp. Để đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, Ban ngành, các địa phương tập trung truyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 và đề ra mục tiêu cụ thể trong năm 2022:

Đối với cấp tỉnh, trên 80% tổng số hồ sơ phát sinh dịch vụ công mức độ 4, trên 40% tổng số hồ sơ phát sinh dịch vụ công mức độ 3; cấp huyện, trên 60% tổng số hồ sơ phát sinh dịch vụ công mức độ 4, trên 30% tổng số hồ sơ phát sinh dịch vụ công mức độ 3; cấp xã, trên 40% tổng hồ sơ phát sinh dịch vụ công mức độ 4, trên 20% tổng số hồ sơ phát sinh dịch vụ công mức độ 3. Đạt 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ của cơ quan nhà nước; tiếp tục nâng cao tỷ lệ thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trên Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. Hoàn thành 100% việc tích hợp dịch vụ công mức độ 3,4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2022.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng công tác cải cách TTHC các cấp; từ đó nâng cao chất lượng phục vụ và tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai các nhiệm vụ.

Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị cần đổi mới tư duy mạnh mẽ, thay đổi cách tiếp cận, đặc biệt các cấp trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. Hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, tôn trọng thực tiễn khách quan, không cứng nhắc; bám sát khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để có điều hành phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm trung gian; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác kết quả, hiệu quả công tác triển khai để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời.

Song Nguyên