Tình hình thực hiện dự toán ngân sách địa phương trong năm

Hợp tác quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định trên không gian mạng
14/10/2020 | 16:30  | View count: 5200

Trong những năm gần đây, sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã mang lại những lợi ích to lớn cho con người. Tuy nhiên, đi cùng với đó đã xuất hiện nhiều nguy cơ, thách thức từ không gian mạng, tác động mạnh mẽ đến chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

 
 

Nâng cao năng lực bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng

Internet mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh minh họa: IT) 

Sau 35 năm đổi mới, hệ thống thông tin của Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, phục vụ đắc lực sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Lĩnh vực viễn thông, Internet, tần số vô tuyến điện có sự phát triển mạnh mẽ, đạt được mục tiêu số hóa hoàn toàn mạng lưới, phát triển nhiều dịch vụ mới, phạm vi phục vụ được mở rộng, bước đầu hình thành những doanh nghiệp mạnh, có khả năng vươn tầm khu vực, quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển, ứng dụng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, công nghệ sinh học,… Điều này sẽ hình thành nên nhiều lĩnh vực mới như Internet công nghiệp, thành phố thông minh, Chính phủ điện tử hoạt động trên môi trường không gian mạng, tạo sự đột phá về phát triển kinh tế, chính trị và xã hội. Thực tiễn cho thấy việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, viễn thông, Internet mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến hết tháng 01/2020, Việt Nam có 68,17 triệu người sử dụng Internet (chiếm 70% dân số). Tuy nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức, hiểm họa khôn lường từ không gian mạng, trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Trong đó, nổi lên một số vấn đề như: Hoạt động tấn công mạng nhằm vào các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu của Chính phủ, các Bộ, ngành và tập đoàn kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp, với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm; Hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng cả về số vụ, tính chất, mức độ nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh; Khủng bố mạng nổi lên như một thách thức toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia của các nước, trong đó có Việt Nam.

Trong phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng lần thứ 5 (AMCC-5) và Phiên họp đặc biệt giữa Bộ trưởng các nước ASEAN với các nước đối tác/đối thoại theo hình thức trực tuyến diễn ra ngày 7/10, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an – Trưởng đoàn Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, hoạt động tấn công mạng nhằm vào các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu của Chính phủ, các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp, với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm. Hệ thống thông tin quan trọng của nhiều cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành thường xuyên trở thành mục tiêu bị tin tặc tấn công. Trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng Bộ Công an Việt Nam đã phát hiện 1.721 trang, cổng thông tin điện tử cua Việt Nam bị tin tặc tấn công và thay đổi giao diện, trong đó có 181 trang thuộc quản lý của cơ quan Nhà nước.

Việt Nam đang triển khai "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Trong quá trình chuyển đổi số này, an ninh, an toàn thông tin mạng là yếu tố then chốt tạo ra môi trường an toàn cho chuyển đổi số.

Bộ Công an Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực thi pháp luật trong đảm bảo an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao; tăng cường bảo đảm an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng này; qua đó, góp phần đảm bảo quá trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi và an toàn.

Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng năm 2018, trong đó Chương II của Luật đã quy định về bảo vệ an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Tại Việt Nam, các hạ tầng thông tin quan trọng chủ yếu được sở hữu và vận hành bởi cơ quan nhà nước. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 632/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 xác định 11 lĩnh vực quan trọng và 11 cơ quan chủ trì tương ứng.

Bên cạnh đó, Bộ Công an Việt Nam chú trọng tăng cường tiềm lực an ninh mạng để bảo vệ các hạ tầng thông tin trọng yếu thông qua việc đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các phần mềm, thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ cho công tác bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và quốc tế để kịp thời ứng phó với các sự cố tấn công vào các cơ sở hạ tầng thông tin này.

Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an - Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu tại  Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng lần thứ 5 (AMCC-5) theo hình thức trực tuyến (Ảnh: Khánh Lan)

Việt Nam - ASEAN hướng đến môi trường không gian mạng an ninh, an toàn

Ngày 01/4/2015, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 đã thông qua Nghị quyết về "Chiến tranh mạng: mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh toàn cầu". Tháng 9/2019, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), 20 quốc gia đã ký thỏa thuận ngăn chặn lan truyền tin giả trực tuyến. Đây là những tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế, là cơ sở để tiến tới xây dựng một điều ước quốc tế về bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng nổi lên gay gắt, khó lường. "Cuộc chiến" bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng vẫn tiếp tục nóng lên ở cả mức độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. Để giải quyết vấn đề đó, ASEAN đã chủ động thiết lập các diễn đàn khu vực để thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, phối hợp lập trường trong việc thực thi các chuẩn mực bảo đảm an ninh mạng. Theo đó, kể từ năm 2016, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng đã được tổ chức thường niên, thu hút được sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo cấp cao của Chính phủ các nước thành viên ASEAN cũng như các chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu trên thế giới.

Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong khối ASEAN, năm 2019, Việt Nam đã cùng với Singapore và Brunei chính thức cử cán bộ tham gia Nhóm công tác ASEAN về phòng, chống tội phạm mạng và sử dụng công nghệ cao (ASEAN Desk) đặt tại Tổ hợp Interpol toàn cầu (IGCI), Singapore.          

Hàng năm, Việt Nam cũng tổ chức diễn tập ứng cứu sự cố cho mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia, ứng cứu sự cố theo ngành, lĩnh vực quan trọng. Tại cấp độ quốc tế, Việt Nam đã thực hiện chủ trì tổ chức diễn tập các tổ chức CERT khu vực Đông Nam Á (ACID 2018), tham gia với vai trò đồng chủ trì diễn tập trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-Nhật Bản. 

Ngay từ khi triển khai cơ chế hợp tác ASEAN trong lĩnh vực này, Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia cùng các nước ASEAN thảo luận, thúc đẩy các sáng kiến, cơ chế phối hợp trong xây dựng chính sách, hướng đến xây dựng các bộ quy tắc, tiêu chuẩn chung về an ninh mạng trong khu vực dựa trên các nguyên tắc. Hiện nay, các nước thành viên ASEAN đã tích cực triển khai lộ trình xây dựng quy tắc ứng xử trên không gian mạng theo 11 chuẩn mực được khuyến nghị trong Báo cáo năm 2015 của Nhóm Chuyên gia Chính phủ được Liên hợp quốc bảo trợ về Phát triển trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang thúc đẩy hình thành hệ sinh thái sản phẩm công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng "Make in Viet Nam". Đây là nỗ lực của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và kiểm soát chuỗi cung ứng về công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng hướng tới một môi trường mạng tin cậy hơn. 

Vấn đề này càng trở nên cấp bách khi thế giới và khu vực ASEAN đang chứng kiến sự thay đổi to lớn của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 làm thay đổi cách thức sinh hoạt, làm việc của người dân gần như trên toàn thế giới. Người dân, tổ chức phải thích nghi với cách thức làm việc mới: làm việc từ xa, làm việc tại nhà, làm việc trực tuyến trên môi trường mạngCác mối đe dọa về an ninh mạng, tấn công mạng gia tăng cả về số lượng và phạm vi ảnh hưởng; tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện các hành vi phạm tội với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Điều này làm cho công tác đảm bảo an toàn mạng càng trở nên hết sức quan trọng.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông kiêm Bộ trưởng phụ trách an ninh mạng Singapore Iswaran cho rằng, bất chấp những thiệt hại kinh tế đáng kể do COVID-19 gây ra, khu vực Đông Nam Á vẫn duy trì vị trí ổn định để tận dụng sự phát triển của công nghệ số. Song, nền tảng kinh tế kỹ thuật số phát triển cũng khởi tạo những mối đe dọa âm thầm mang tên "tấn công mạng". Do đó, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với ASEAN lúc này là cùng nhau giải quyết thách thức an ninh mạng, một cách đồng bộ, tổng thể và bền vững.

Đồng tình với nhận định này, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho rằng, đại dịch COVID-19 đã thay đổi cách chúng ta sống và làm việc. Sự chuyển đổi số đã xuất hiện trên các lĩnh vực. Các hình thức học hay làm việc trực tuyến, mua sắm trực tuyến đã trở thành một phần của cuộc sống bình thường mới. Trên thực tế, công nghệ số đã mở đường cho việc mở cửa cho nền kinh tế một cách an toàn và bền vững bất chấp những thách thức của COVID-19, là nền tảng cho sự phục hồi của nền kinh tế ASEAN và toàn cầu. Nhưng sự phụ thuộc của chúng ta vào công nghệ số cũng ngày càng tăng. Việc tăng cường đảm bảo tính bảo mật của hệ thống dữ liệu mạng và cơ sở hạ tầng mạng cũng cần được quan tâm. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy hợp tác khu vực trong lĩnh vực an ninh mạng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, giúp khai thác động lực của các nước thành viên để hoàn thiện khuôn khổ khắc phục rủi ro toàn diện ASEAN, đảm bảo mục tiêu cuối cùng là phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có khả năng phục hồi và an toàn toàn diện trong khối.

Đoàn Việt Nam tham dự  Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng lần thứ 5 (AMCC-5) theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Khánh Lan)

Nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng duy trì một không gian mạng lành mạnh, an toàn và hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, Việt Nam nhận thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của việc xây dựng các quy tắc ứng xử có trách nhiệm trên không gian mạng nhằm góp phần duy trì một không gian mạng lành mạnh, an toàn và giúp cho việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin hiệu quả hơn. Vấn đề này càng trở nên cấp bách khi thế giới và khu vực đang chứng kiến sự thay đổi to lớn của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Các mối đe dọa về an ninh mạng, tấn công mạng gia tăng cả về số lượng và phạm vi ảnh hưởng; tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện các hành vi phạm tội với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Để triển khai 11 nguyên tắc chuẩn mực tự nguyện hướng tới xây dựng các quy tắc, chuẩn mực chung về bảo đảm an ninh mạng trong ASEAN, chính phủ Việt Nam cũng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế. Chính phủ Việt Nam cũng giao Bộ Công an chỉ trì xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về an ninh mạng theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn, chuẩn mực của khu vực và quốc tế, tạo thuận lợi cho công tác bảo đảm an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng tại Việt Nam cũng như quá trình hợp tác quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định trên không gian mạng./.

Theo dangcongsan.vn