CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT NÚI LỬA KRÔNG NÔ
Toàn tỉnh hiện có hơn 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Tổng trữ lượng mà các đơn vị đăng ký khai thác xấp xỉ hơn 1,2 triệu tấn/năm. Với việc đề ra những giải pháp ngay từ đầu năm, trong năm 2018, số thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản trở thành một trong những sắc thuế vượt đích, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước của tỉnh.
Cán bộ Cục Thuế tỉnh kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn huyện Đắk R'lấp |
Tính đến hết tháng 11/2018, tổng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh được hơn 75 tỷ đồng, đạt gần 250% dự toán và tăng gần 40% so với cùng kỳ. Một trong những nguyên nhân góp phần tăng số thu ở lĩnh vực này là do thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Theo Nghị định 82/2017/NĐ-CP của Chính phủ, bắt đầu từ quý IV năm 2017, tất cả các hoạt động khai thác nước mặt phục vụ phát điện, kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp cùng hoạt động khai thác nước dưới đất, với quy mô từ 20m3/ngày đêm trở lên đều phải nộp tiền cấp quyền khai thác.
Việc tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được căn cứ vào loại, chất lượng nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác và mục đích sử dụng. Mức thu tiền cấp quyền khai thác dao động từ 0,1 đến 2% giá tính thuế tài nguyên nước. Đây là quy định mới vừa giúp công tác quản lý nước trở nên chặt chẽ, vừa góp phần tăng thu ngân sách cho nhà nước. Năm 2018, toàn tỉnh có trên 40 giấy phép đã được phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, với số tiền thu được khá cao.
Ngay từ đầu năm, trên cơ sở dự báo tình hình thu ở lĩnh vực này, Cục Thuế tỉnh đã ban hành kịp thời các thông báo nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến các đối tượng phải thu. Cơ quan thuế tích cực phối hợp với các ngành, địa phương kiểm tra, xử lý đối với các dự án, doanh nghiệp khai thác khoáng sản hoạt động kinh doanh nhưng không kê khai, nộp các loại thuế, phí theo quy định.
Trên cơ sở kiểm tra, cơ quan thuế đánh giá chính xác các nội dung thông tin kê khai trong hồ sơ thuế như: Chủng loại khoáng sản, sản lượng khai thác, tiêu thụ, giá thành để có biện pháp thu thuế phù hợp. Ngoài ra, công tác chống thất thu trong lĩnh vực này cũng được tăng cường, nhất là ở lĩnh vực khai thác cát, đá, từ đó, từng bước tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Mặc dù số thu của năm nay đạt tương đối cao, nhưng theo Cục Thuế tỉnh, còn nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Một số doanh nghiệp khác đang sản xuất cầm chừng và dừng hoạt động. Có trường hợp không thu hồi được công nợ dẫn đến mất khả năng tài chính… gây khó khăn cho công tác thu, nộp ngân sách.
Trước tình hình này, Cục Thuế tỉnh đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan Thuế quản lý hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính, thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản... Đối với những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chậm thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước (từ 3 tháng trở lên), hai cơ quan phối hợp xem xét, phân tích đánh giá từng trường hợp cụ thể để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh xử lý thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản.
Theo Đắk Nông Online