CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT NÚI LỬA KRÔNG NÔ

Một số kết quả nổi bật của tỉnh Đắk Nông sau 01 năm thực hiện Chuyển đổi số
Ngày đăng 11/11/2022 | 15:03  | View count: 15101

Ngày 01/11/2021, Tỉnh uỷ Đắk Nông ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tỉnh Đắk Nông đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số. Đến nay, sau một năm triển khai thực hiện, tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số.

 

Cụ thể, về nhận thức số: Tỉnh đã kiện toàn và ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số cấp tỉnh; quyết định lấy ngày 01/11 hàng năm làm Ngày chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông và phát động các hoạt động hưởng ứng nhân ngày này; các cơ quan báo chí, Cổng TTĐT tỉnh đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số; các sở, ban, ngành, địa phương cũng triển khai tuyên truyền về chuyển đổi số thông qua trang TTĐT, kênh Zalo OA, các fanpage; hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở…

Về thể chế số: Tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 05 năm tại Quyết định số 570/QĐ-UBND ngày 21/3/2022 của UBND tỉnh và kế hoạch năm 2022 tại Quyết định số 231/QĐ-UBND ngày 26/01/2022 của UBND tỉnh; 27/27 cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong năm 2022; thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số cấp sở, ngành, địa phương.

Về hạ tầng số, đến nay, 71/71 xã, phường, thị trấn đã được kết nối cáp quang đến trung tâm; 98% trung tâm các thôn, buôn, bon đã được phủ sóng 4G; Tỷ lệ người dân sử dụng Internet: 73,08%; Tỷ lệ thuê bao điện thoại thông minh: 88,74%; Thuê bao điện thoại di động (ĐTDĐ) sử dụng điện thoại thông minh (SMP)/100 dân: 106,6%; 100% cơ sở giáo dục đã kết nối Internet băng thông rộng; Thuê bao BRDĐ/100 dân: đạt tỷ lệ 75,12 %. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 06/10 vùng lõm sóng, thôn lõm sóng. Tốc độ truy cập mạng băng rộng tính trung bình khoảng 400 Mpbs đối với cá nhân và 500 Mpbs đối với doanh nghiệp.

Về chính quyền số, tỉnh Đắk Nông đã triển khai xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp của tỉnh (LGSP) và Kho dữ liệu dùng chung theo Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Nông phiên bản 2.0, kết nối với với Chính phủ, kết nối cơ sơ dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến. 100% cơ quan, đơn vị nhà nước cấp tỉnh đến cấp xã dã sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành (phiên bản 5.0) và kết nối liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã, liên thông văn bản quốc gia của Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành. Tỷ lệ văn bản điện tử đạt 91,3%.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến: 08/08 huyện, thành phố; 17/19 Sở, ban, ngành (đạt tỷ lệ 89,4%) trên địa bàn tỉnh đã triển khai niêm yết thủ tục hành chính bằng mã QR-code.  Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh cung cấp 423 dịch vụ công mức độ 3 và 653 dịch vụ công mức độ 4. Đã thực hiện kết nối thành công 436 thủ tục hành chính của tỉnh lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Số lượng DVCTT phát sinh hồ sơ mức độ 3 là 120, đạt tỷ lệ 28,3%, mức độ 4 là 110, đạt tỷ lệ 16,8%. Số lương hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến mức độ 3 là 73.115, đạt tỷ lệ 67,6%, mức độ 4 là 26.254, đạt tỷ lệ 34%.

Việc triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xây dựng nền tảng công dân số, ngành Công an đã thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho 13.969 trường hợp; trong đó hồ sơ cấp CCCD kèm định danh điện tử  10.995 trường hợp. Thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử đối với công dân đã có thẻ CCCD còn hiệu lực là 3.090 trường hợp.

Cơ sở dữ liệu về đoàn viên, thanh niên: Đã triển khai thu thập, số hóa dữ liệu 28.514/31.181 Đoàn viên thanh niên, tỷ lệ 91,53% (thuộc Top 10 tỉnh đã số hóa dữ liệu Đoàn viên thanh niên) phục vụ công tác quản lý Đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Ngày chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông

Về kinh tế số, trên địa bàn tỉnh chỉ có 03 doanh nghiệp công nghệ số lớn gồm VNPT, Viettel, Mobifone, tuy nhiên, doanh thu về công nghiệp công nghệ thông tin lũy kế đến hết tháng 09/2022 ước tính đạt 1.607.294 triệu đồng. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP ước tính 6,64%, tăng 0,25% so với năm 2021 (Năm 2021 là 6,39%). Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử và tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử là 100%. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với ngành Nông nghiệp và doanh nghiệp BCVT đã hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử cho 1.098 sản phẩm lên sàn 02 thương mại voso.vn và postmart.vn, trong đó có 47/47 sản phẩm OCOP và 1.051 sản phẩm nông nghiệp khác, tổng số giao dịch 17.993 lượt; Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin là 111.390 hộ, đạt 92,8%. Số hộ SXKD được đào tạo về kỹ năng số là 120.037 hộ, đạt tỷ lệ 72%. Có khoảng 25% dân số tham gia mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng di động.

Về Xã hội số, nhiều nội dung đã có kết quả đáng kể so với năm 2021. Tổng số hồ sơ khởi tạo có tài khoản Hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSK) từ Bảo hiểm xã hội tỉnh: 662.386 /664.416 đạt tỷ lệ 99,7%. Để phục vụ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, toàn tỉnh ước có 80 ATM hoạt động (tăng 02 ATM so với đầu năm). Mạng lưới máy chấp nhận thẻ (POS) đang còn hoạt động trên địa bàn tỉnh ước đến 31/12/2022 đạt 307 máy (tăng 42 máy so với đầu năm); số đơn vị trả lương qua tài khoản đến cuối năm 2022 ước đạt 1.051 đơn vị, trong đó có 869 đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước; số thẻ được phát hành tại các NHTM đang còn hoạt động ước tính đến hết tháng 12/2022 khoảng 337.857 thẻ; số tài khoản thanh toán các NHTM đã mở cho khách hàng đang còn hoạt động khoảng 393.915 tài khoản. Năm 2022, các NHTM trên địa bàn tỉnh đã triển khai rộng rãi sản phẩm TTKDTM bằng phương pháp quét mã QR code, ước đến 31/12/2022 có khoảng 1800 đơn vị chấp nhận thanh toán.

Bên cạnh đó, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký nộp thuế điện tử; 90% tổng số thu ngân sách nhà nước được hạch toán bằng phương thức điện tử, các khoản chi NSNN qua ngân hàng ước đạt hơn 99%/tổng số chi NSNN tại KBNN tỉnh (100% hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng được tiếp nhận và xử lý hoàn bằng phương thức điện tử); 100% cơ sở điện lực trên địa bàn chấp nhận TTKDTM, doanh thu tiền điện của Công ty điện lực Đắk Nông thanh toán qua phương thức điện tử ước đạt 72% tổng doanh thu của đơn vị. 100% các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn chấp thuận thanh toán học phí qua ngân hàng; 5/10 NHTM thỏa thuận thành công với Công ty Cổ phần Cấp nước và Phát triển đô thị Đăk Nông để thu tiền nước qua ngân hàng; 86%/ tổng số người thụ hưởng nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản ngân hàng. 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi sang sử dụng hoá đơn điện tử, Đắk Nông là một trong những địa phương về đích sớm nhất theo mục tiêu của Tổng Cục thuế.

Phát biểu tại Ngày chuyển đổi số tỉnh Đăk Nông năm 2022, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số trong thời gian qua, phát huy kết quả đạt được, đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành, trong năm 2023 và những năm tiếp theo tập trung vào 11 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số theo Nghị quyết số 09/NQ-TU gồm: nông nghiệp, nông thôn mới, y tế, giáo dục, du lịch, tài chính - ngân hàng… để tỉnh Đắk Nông có bước phát triển đột phá trên các lĩnh vực. 

Một trong những nhiệm vụ trước mắt đó chính là việc phát động toàn dân cài đặt, sử dụng, tương tác với chính quyền trên ứng dụng Đắk Nông – C, đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ có tính lâu dài để hình thành thói quen của người dân sử dụng công nghệ, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Cần phải xác định mỗi cán bộ, công chức, viên chức, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng là một công dân số, và là một chiến sỹ trên mặt trận tuyên truyền về chuyển đổi số. Các cấp các ngành khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, đó chính là nguồn đầu vào cho IOC, cung cấp thông tin "đúng, đủ, sạch, sống" bảo đảm cho Trung tâm IOC hoạt động bền vững và hiệu quả, cùng với bảo đảm an toàn thông tin và kinh phí trong thời gian đến.

Song Nguyên