CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT NÚI LỬA KRÔNG NÔ
Người sản xuất, doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển đổi số, nhất là số hóa cho sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Chủ thể đồng hành
Sản phẩm "Cà phê FOT 48" của HTX Nông nghiệp Tiến Thành (Cư Jút) đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao từ năm 2020. HTX hiện đang liên kết với các hộ nông dân trong vùng sản xuất theo quy trình chặt chẽ từ khâu chăm sóc cho đến thu hoạch, sơ chế.
Để mở rộng thêm thị trường tiêu thụ, cách đây hơn 1 tháng, sản phẩm của HTX được đưa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Sản phẩm của HTX vì thế được nhiều người biết hơn.
Cà phê "FOT 48" của HTX Nông nghiệp Tiến Thành (Cư Jút) hiện đã có mặt trên sàn TMĐT "Postmart.com" |
Ông Bùi Xuân Nghĩa, Giám đốc HTX cho biết: "HTX mong muốn tiếp tục được hỗ trợ để nắm vững hơn về chính sách quảng bá trên các sàn TMĐT, giúp sản phẩm tiếp cận nhanh, nhiều hơn với người tiêu dùng".
Sau khi sản phẩm bún gấc HTX Nam Hà (Cư Jút) đạt chứng nhận OCOP đã được khách hàng quan tâm, lựa chọn nhiều hơn. Trong 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng sản phẩm của HTX bán ra tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trần Đình Lượng, Phó Giám đốc HTX cho biết, những sản phẩm từ gấc của HTX hiện có thị trường phân phối khắp cả nước. Thông qua các sàn TMĐT, HTX truyền tải hình ảnh, thông điệp sản phẩm đến với khách hàng.
"Khách hàng chốt đơn hàng sau khi xem sản phẩm trên sàn TMĐT ngày càng nhiều hơn. Đây là điều mà HTX đã kỳ vọng trong nhiều năm qua", ông Lượng chia sẻ.
HTX đang phấn đấu trong năm 2022 sẽ có thêm 2 sản phẩm OCOP mới. Đó là bánh tráng và hủ tiếu gấc. HTX cũng đang đầu tư, nâng hạng OCOP cho sản phẩm bún gấc. Tất cả các sản phẩm này sẽ được HXT đưa lên sàn TMĐT.
Sản phẩm bún gấc của HTX Nam Hà (Cư Jút) được nhiều người tiêu dùng lựa mua trên các sàn TMÐT |
Doanh nghiệp công nghệ tiếp sức
Thời gian qua, các doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn tỉnh đã tăng cường hỗ trợ các chủ thể OCOP chuyển đổi số để tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, Bưu chính Viettel Đắk Nông đang hỗ trợ các hộ sản xuất kết nối sản phẩm đặc thù để đưa lên sàn TMĐT.
Viettel Đắk Nông đã tới tận các doanh nghiệp để hướng dẫn cách làm, cách thao tác và ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đưa nông sản lên các sàn TMĐT. Đối với một số mặt hàng đặc thù của địa phương, Viettel Đắk Nông hỗ trợ bằng cách miễn phí kết nối, vận chuyển trên toàn quốc và ra nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Minh Tấn, Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp, Chi nhánh Viettel Đắk Nông, toàn tỉnh đã có trên 300 hộ sản xuất được đơn vị hỗ trợ và đưa sản phẩm lên sàn TMĐT "Voso.vn", đạt tổng doanh thu trên 2 tỷ đồng. Trong số này, có khá nhiều sản phẩm OCOP.
Thời gian tới, Viettel Đắk Nông tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng để hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh triển khai đưa sản phẩm lên sàn TMĐT tốt hơn.
Bưu điện tỉnh đang nỗ lực hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản, trong đó có sản phẩm OCOP, lên sàn TMĐT "Postmart.com". Ở mỗi địa bàn, các bưu điện trực thuộc đã có những cách tiếp cận sâu sát với các chủ thể OCOP.
Theo ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bưu điện huyện Cư Jút, trên địa bàn huyện hiện có 4 hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn "Postmart.com".
Đơn vị đã tổ chức tập huấn cách đưa sản phẩm lên sàn TMĐT ở các xã, phường, thị trấn. Từ đó, giúp bà con nắm được cách thức cơ bản, tính năng, tác dụng của sàn TMĐT.
Theo báo điện tử Đắk Nông